Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không gian mạng được an toàn

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có hiệu lực từ tháng 1/2019, Luật An ninh mạng đã góp phần nâng cao hiệu lực công tác bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Để có một không gian mạng an toàn và lành mạnh, ngoài các quy định chặt chẽ và các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, rất cần mỗi người dân nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của riêng mình.
Nhiều hành vi bị cấm
Sau hơn một năm có hiệu lực, Luật An ninh mạng đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực trong đời sống xã hội, ý thức chấp hành pháp luật trên không gian mạng của người dân đã có sự cải thiện đáng kể. Luật An ninh mạng ra đời đã tạo ra cơ sở pháp lý giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
 Một đối tượng tung tin sai sự thật về dịch Covid - 19 được công an triệu tập.
Các hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng bao gồm sử dụng internet để hoạt động mại dâm, tệ nạn, xã hội, mua bán người; Đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; Phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Cố ý nghe, ghi âm, ghi hình trái phép các cuộc đàm thoại; Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật; Phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác… Như vậy, các nội dung của luật đã bao phủ khá toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mạng xã hội tác động sâu, rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội như hiện nay.
Một số ý kiến trao đổi trên các diễn đàn cho rằng, trước đây, nhiều cá nhân lên tiếng phản đối Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải nhờ đến cơ quan pháp luật, cần đến Luật An ninh mạng để được bảo vệ, như trường hợp ca sĩ Văn Mai Hương. Điều này chứng tỏ, Luật An ninh mạng rất cần thiết, để mỗi khi có những vụ việc thế này sẽ có công cụ xử lý kẻ vi phạm, hoặc để phòng ngừa không xảy ra những vụ việc tương tự.
Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật
Vừa qua, hàng chục người đã chầu chực trước căn nhà của gia đình Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn “Khỉ”, SN 1987, trú tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) và trong đám tang để livestream, quay clip đăng lên Youtube, phát trực tiếp trên mạng xã hội. Hành vi này được coi là vi phạm pháp luật và thiếu tính nhân văn, cần lên án. Theo luật sư Nguyễn Hữu Toại (Đoàn Luật sư Hà Nội), hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm Điều 17 Luật An ninh mạng năm 2018: “Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật”. Cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở triệu tập những người này để làm việc, yêu cầu giải trình và xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông cũng cho hay, một số trường hợp điển hình mới đây cho thấy hiệu quả của Luật An ninh mạng, như một số người tung tin sai lệch liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid -19 trên mạng xã hội đã bị xử lý; trong đó có các nghệ sĩ tên tuổi như Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân... Ngoài ra, phía các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để yêu cầu các đơn vị cung cấp mạng xã hội phải gỡ những thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội. Rõ ràng mạng không ảo, và các phát ngôn trên không gian mạng không hề ảo bởi đứng đằng sau đều là những con người thật. Phát ngôn sai trái, thông tin chưa chính xác, tiêu cực lan truyền có thể gây tác động xấu đến người khác, đến xã hội.
Sau một năm đi vào cuộc sống, những lo ngại về tác động xấu của Luật An ninh mạng như hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân cũng được giải tỏa, mọi công dân không bị hạn chế quyền bày tỏ chính kiến trên không gian mạng. Nhiều thông tin trung thực, hữu ích từ người dân được các cơ quan Nhà nước tiếp thu và ghi nhận, một số chính sách pháp luật đã được sửa đổi để phù hợp với thực tế cuộc sống theo ý kiến của người dân. Tuy nhiên, để có một không gian mạng xã hội an toàn và lành mạnh, ngoài các quy định chặt chẽ và các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, rất cần mỗi người dân nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm hơn về những phát ngôn, đưa tin của mình.

"Việc quản lý và làm sạch mạng xã hội vẫn còn là vấn đề khó. Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều quốc gia trên thế giới do các nguyên nhân khách quan bao gồm cả yếu tố kỹ thuật và nguồn lực để kiểm soát, giám sát hữu hạn. Nhiều trường hợp khó phát hiện và xử lý các đối tượng, thời gian xác minh lâu, thậm chí người phạm tội ở nước ngoài. Nhiều thông tin sai sự thật, có tác động xấu đến xã hội vẫn diễn ra khá phổ biến mà chưa bị xử lý." - Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông