Theo ACPA, việc buôn bán thịt chó, mèo thường có liên hệ chặt chẽ với buôn bán động vật hoang dã và không có gì đảm bảo an toàn cho con người. Tiến sĩ Katherine Polak, bác sĩ thú y và người đứng đầu chiến dịch Chăm sóc động vật đi lạc của tổ chức bảo vệ động vật toàn cầu FOUR PAWS ở Đông Nam Á cũng bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi tin rằng đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi bùng phát tiếp một đợt dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người”.
Do đó, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối tháng 12 năm 2019, các nhà chức trách Trung Quốc đã cấm việc buôn bán tiêu thụ động vật hoang dã trên cả nước; thêm vào đó, trong tháng 4, TP Thâm Quyến và Chu Hải đã ban hành lệnh cấm tiêu thụ thịt chó, mèo, trong khi Chính phủ Trung Quốc cũng công khai tuyên bố rằng chó được coi là động vật đồng hành, không phải là gia súc và cần được loại bỏ khỏi danh sách động vật được sử dụng làm “thức ăn”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nêu rõ rằng việc buôn bán chó để giết thịt là một yếu tố góp phần cho việc lây lan bệnh dại và 70% mầm gây bệnh trên toàn cầu trong suốt 50 năm qua bắt nguồn từ động vật. Hoạt động buôn bán chó, mèo cũng trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược kiểm soát bệnh dại của Việt Nam và phá vỡ mọi nỗ lực tăng khả năng miễn dịch của đàn thông qua các chương trình tiêm phòng cho chó.
Trên thế giới, các quốc gia đang hợp tác cùng nhau đấu tranh để chống lại đại dịch Covid-19. Các Tổ chức Phi Chính phủ trên toàn cầu đang thúc giục chính phủ nhiều quốc gia cần hành động ngay lập tức đóng cửa vĩnh viễn các thị trường động vật hoang dã với nghi ngại đây sẽ là nguồn lây lan Covid-19 và cũng có thể thấy rõ rằng Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng và đi đầu trong nỗ lực này.
Theo ACPA, năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban bố cam kết chấm dứt buôn bán thịt chó, trong đó nêu rõ việc buôn bán tàn ác và mất vệ sinh này có thể làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của thành phố là một “thủ đô văn minh, hiện đại”. Đó là một điều rất đúng đắn và thực sự đã có quy định cấm buôn bán thịt chó, mèo ở khắp châu Á như Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và Singapore.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, ACPA mong muốn chính phủ cần phải ban hành và thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm toàn diện và trên toàn quốc với các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp như sau: Ngay lập tức ban hành lệnh cấm vĩnh viễn việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ chó, mèo để làm thịt tại Việt Nam. Đồng thời, ban hành tuyên bố công khai về các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng liên quan tới việc giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo.
Theo điều tra của FOUR PAWS, hoạt động buôn bán chó, mèo để giết thịt đang là vấn nạn tại Việt Nam, khi mỗi năm ước tính có khoảng 5 triệu cá thể chó và 1 triệu cá thể mèo bị giết mổ để lấy thịt.
Việc buôn bán thịt chó cũng tạo điều kiện lây lan các dịch bệnh nguy hiểm gây chết người như bệnh dại và được coi là hoạt động bất hợp pháp trong khi chưa có quy định trong luật hiện hành nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phúc lợi động vật và ngăn ngừa dịch bệnh. Tình trạng buôn bán thịt chó, mèo tại Việt Nam đang tiếp tục diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các chính phủ, các chuyên gia sức khỏe con người và động vật cùng các bên liên quan đang tìm cách giải quyết vấn đề này.
Để chấm dứt hoàn toàn nạn buôn bán thịt chó mèo tàn bạo ở Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, FOUR PAWS đã phát động một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia. “Thông qua việc giáo dục và hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm, cộng đồng địa phương và ngành du lịch, mục tiêu là hợp tác với các chính phủ ở Đông Nam Á để đưa ra luật bảo vệ động vật, chấm dứt việc bắt giữ, giết mổ và tiêu thụ chó mèo” - Tiến sĩ Karanvir Kukreja - Giám đốc Dự án “Chiến dịch chấm dứt nạn buôn bán thịt chó mèo” của FOUR PAWS cho hay.
Được biết, ACPA có vai trò là đại diện cho các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và bảo vệ phúc lợi động vật trên toàn cầu, bao gồm các tổ chức thành viên có trụ sở tại Việt Nam, các tổ chức có hợp tác với Chính phủ và chính quyền địa phương ở Việt Nam. Hiện tại, ACPA có hàng triệu thành viên cùng nhất trí với các nội dung kiến nghị trên.