Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để những "chiếc rễ" nhỏ giúp nền kinh tế vươn cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự năng động, linh hoạt của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có thể ví như những chiếc "rễ con" của nền kinh tế tỏa đi mọi ngóc ngách thị trường mà những doanh nghiệp lớn bỏ qua hoặc khó tiếp cận.

Vì vậy, Chính phủ coi việc phát triển SME là chiến lược lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế của quốc gia.

Những chiếc rễ nhỏ bé này đã giúp cho nhiều nền kinh tế vượt qua thời điểm khó khăn, vươn cao hơn trong trong môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.
 
Để những "chiếc rễ" nhỏ giúp nền kinh tế vươn cao - Ảnh 1

Ảnh minh họa: TTXVN

Mô hình doanh nghiệp hiệu quả

Tại nước ta, Chính phủ coi việc phát triển SME là chiến lược lâu dài, nhất quán và xuyên suốt trong chương trình hành động của mình, là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế của quốc gia. Nhà nước tạo môi trường pháp luật và các cơ chế, chính sách thuận lợi cho SME thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo Thông cáo báo chí của VPCP về một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2012, 9 tháng, ước khoảng 51 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 350,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến nay, cả nước có trên 675 nghìn doanh nghiệp đã được thành lập, trong đó khoảng 472 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm gần 70%.

Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng Kế hoạch phát triển SME lần thứ nhất (2006-2010) với mục tiêu phát triển thêm khoảng 320.000 doanh nghiệp vào năm 2010. Kết quả là, cả nước có khoảng 370.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tạo thêm khoảng 2,7 triệu chỗ làm mới trong giai đoạn này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, mà trong đó chủ yếu là các SME, giai đoạn 2007-2010 đều đạt trên 40%; đóng góp vào tỷ trọng thu ngân sách nhà nước qua các năm 2006 là 17,7% và tới năm 2009 là 30,9%, thể hiện xu hướng tăng qua các năm.

Sự phát triển mạnh mẽ của khối SME đã góp phần huy động một lượng lớn nguồn vốn trong dân vào nền kinh tế đất nước, nhất là trong những thời điểm chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng kinh tế thế giới.

Mô hình SME được đánh giá có hiệu quả cao nhờ ở chính quy mô nhỏ gọn và tính linh họat, tuy nhiên, dường như kích thước nhỏ bé cũng đi kèm với sự thiệt thòi trong việc thụ hưởng những chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn tín dụng và mặt bằng sản xuất, khả năng tiếp cận công nghệ thấp, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp… Điều đó khiến năng suất và hiệu quả hoạt động của khối SME bị giảm sút, nhất là trong vài năm gần đây, làm tăng nhanh số doanh nghiệp phá sản.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê thì chỉ có khoảng 70% doanh nghiệp đăng ký thành lập có thể hoạt động kinh doanh thực sự.

Vì vậy, lời kêu gọi thay đổi tích cực trong chiến lược phát triển kinh tế, tập trung nguồn lực quốc gia nhiều hơn cho khu vực kinh tế dân doanh và chú trọng đặc biệt đến khu vực SME đã được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra nhằm tạo bước chuyển thực sự về chất cho khối doanh nghiệp này trong tình hình kinh tế hiện nay.

Kỳ vọng kế hoạch tiếp sức mới

Kinh nghiệm ở một số nước có nền kinh tế phát triển cho thấy, SME được coi có vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Trong bối cảnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay và sắp tới, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần hướng mạnh đến khu vực kinh tế tư nhân cũng như SME để tận dụng những lợi thế sẵn có của khu vực này phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, tạo đà tốt cho tăng trưởng và củng cố thêm nền tảng cho nền kinh tế.

Vì vậy, mới đây, Kế hoạch phát triển SME giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí 1.130 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt.

Một số mục tiêu cơ bản của kế hoạch này là đến năm 2015, cả nước có thêm 350.000 SME đi vào hoạt động thực sự, đưa tổng số SME đang hoạt động lên 600.000 đơn vị; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khối SME chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; đầu tư của khu vực này chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo thêm khoảng 3,5 - 4 triệu chỗ làm việc mới.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, rút kinh nghiệm thực hiện Kế hoạch phát triển SME lần thứ nhất (2006-2010) và tham khảo kinh nghiệm hỗ trợ SME của nhiều nước trên thế giới, việc hỗ trợ lần này đưa ra nhiều chính sách mang tính trọng tâm hơn, như tập trung vào việc hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới; thúc đẩy các liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về tài chính… Đặc biệt, kinh nghiệm triển khai Kế hoạch phát triển SME lần thứ nhất cho thấy, ở địa phương nào sự phối hợp được thực hiện tốt thì SME ở địa phương đó phát triển mạnh hơn cả về chất lượng lẫn số lượng.

Về các nhóm giải pháp đất đai, tài chính, đào tạo, thông tin thị trường trong Kế hoạch lần này đã có cách tiếp cận và cách làm thể hiện tính đột phá như: phát triển cụm liên kết, vấn đề liên kết các doanh nghiệp trong cụm và liên kết các cụm doanh nghiệp, khu công nghiệp mới, đây vốn là điểm yếu lâu này của SME ở Việt Nam. Vì vậy, nếu thực hiện đúng tiêu chí cụm liên kết như trong kế hoạch thì không chỉ năng lực của cụm doanh nghiệp, khu công nghiệp được phát huy mà năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng sẽ được nâng lên đáng kể.

Có thể thấy, khá nhiều niềm tin và kỳ vọng được đặt vào kế hoạch phát triển SME lần thứ hai, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự quyết tâm của các cơ quan triển khai và tổ chức thực hiện. Mặc dù có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, các SME rất cần những sự hỗ trợ cần thiết từ các chính sách đòn bẩy, với những cơ chế, chính sách khuyến khích rõ ràng, sự trợ giúp mạnh mẽ hơn để phát triển mà trước tiên là trên sân nhà, để có thể cọ xát, thử thách trước khi đặt mục tiêu “vươn ra biển lớn”, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.