Tuy nhiên, ở một góc độ khác, qua cơn dịch bệnh này, trong trận chiến chống dịch như chống giặc này, vai trò của phụ nữ thêm một lần được khẳng định.
Những ngày qua, một điều có thể thấy là các nữ thầy thuốc, nhân viên y tế không thua kém nam giới trên trận tuyến phòng chống dịch bệnh. Họ có mặt ở mọi nơi, từ các cơ sở khám, chữa, thực hiện cách ly… đến ngay cả trên chuyến bay vào tâm dịch Vũ Hán để đưa công dân Việt Nam về nước cũng có mặt các nữ bác sĩ.
Một trong những sự kiện gây ấn tượng nhất trong trận chiến chống dịch Covid - 19 là việc tập thể nhà khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, đa số là nữ đã nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của virus corona. Việt Nam là một trong 4 quốc gia làm được điều này cho tới lúc ấy. Nhờ đó, mỗi ngày, chúng ta có khả năng xét nghiệm được hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết.
Theo các chuyên gia, khi virus được phân lập, các thầy thuốc sẽ hiểu được tính năng, độc lực đưa ra giải pháp ứng phó dịch bệnh từ việc nghiên cứu đường lây truyền, quá trình nhân lên của virus. Đồng thời, việc nuôi cấy thành công là tiền đề cho nghiên cứu và phát triển vaccine phòng chống virus này trong tương lai.
Trong những ngày qua, chúng ta hay nhắc tới hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc, những chiến binh đứng ở tuyến đầu của trận chiến phòng chống dịch bệnh. Với những nữ bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên… sự hy sinh càng đáng ghi nhận, chia sẻ. Đơn giản họ là những người mẹ, người vợ. Ngoài trách nhiệm và niềm đam mê với công việc, họ còn có thiên chức của người phụ nữ.
Thực hiện thiên chức ấy, không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vui. Chúng ta có thể thấy điều này qua tâm sự của nhiều nữ thầy thuốc. Những ngày dài trực trong bệnh viện không về nhà, một tình cảm thường trực trong họ là nỗi nhớ con.
Nữ bác sĩ trẻ Lùng Thị Thu - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Lào Cai, người đã 7 ngày bám trụ liên tục tại bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân, tâm sự: “Cường độ làm việc cao nên chúng tôi khá mệt, nhưng khổ nhất là vừa nhớ, vừa lo cho con nhỏ và gia đình”. Cũng như chị Thu, mong ước của các nữ bác sĩ, y tá… tham gia chống dịch là khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được gặp con, được nấu cho chồng con những bữa cơm gia đình, những món ăn quen thuộc…
Có một câu chuyện khá thú vị mà PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư kể lại. Đó là trong những ngày làm việc căng thẳng để “bắt” con virus, bà đã treo thưởng cho nhóm nghiên cứu món thịt bò kho, món tủ của bà mà mọi người rất mê. Khi nhận tin vui thành công, dù rất muộn, bà vẫn qua chợ để mua thịt bò, thực hiện lời hứa.
Bên cạnh niềm vui của nhà khoa học, những người phụ nữ còn có niềm vui bình dị như vậy. Và đó chính là điều làm cho họ khác với các đồng nghiệp nam giới, đem lại một hình ảnh đẹp về các nhà nữ khoa học Việt Nam.
Và không chỉ riêng PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cùng các đồng nghiệp của bà, nhiều phụ nữ đều có niềm vui như vậy. Được sum vầy với chồng con, gia đình, được chia sẻ những bữa ăn ấm áp, được tự tay chăm sóc người thân, đó là niềm vui, hạnh phúc và ở một góc độ nào đó, cũng là quyền lợi của mỗi người phụ nữ. Và điều đó làm cho nữ bác sĩ, nhà khoa học nữ, giáo viên, nữ công nhân viên chức… là chính mình, khác với những đồng nghiệp nam giới của họ.
Xét cho cùng, mục tiêu cuối cùng của công cuộc phấn đấu bình đẳng giới là để mỗi người phụ nữ đều có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Làm sao để mỗi phụ nữ vừa có thể bình đẳng với nam giới trong công tác, học tập, tham gia vào công việc xã hội, cống hiến, trưởng thành vừa có thể thực hiện những thiên chức cao đẹp của mình, đó là điều kiện cần và đủ để mỗi người phụ nữ hạnh phúc trong cuộc sống.