Ngày 18/10, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất phương án bán 100% cổ phần Nhà nước tại VNM thay vì bán từng đợt.
Theo VAFI, phương án bán thành nhiều đợt của SCIC sẽ hạn chế sức cầu, sự cạnh tranh trong việc đấu giá, từ đó giá bán VNM sẽ rất thấp. Nếu bán 1 lần toàn bộ cổ phần Nhà nước tại Vinamilk sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia bởi mua trọn lô cổ phần tương đương 45%/vốn điều lệ, nhà đầu tư mới sẽ nắm giữ được cổ phần chi phối của VNM. Khi đó, nhà đầu tư mới có quyền điều hành DN dù không phải điều hành tuyệt đối. Số cổ đông còn lại có thể phủ quyết tại đại hội cổ đông nếu cổ đông lớn đi ngược lại lợi ích của họ.
Với quy mô thị trường Việt Nam còn nhỏ, hiện, nhà đầu tư nước ngoài không khó mua cổ phiếu VNM ở số lượng không lớn và thực tế tỷ trọng nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm xuống còn 48%. Nếu đấu giá 1 đợt, các nhà đầu tư tài chính mới cũng tham gia đấu giá và như vậy lượng cầu tham gia có thể gấp nhiều lần so với phương án của SCIC. Để mua được toàn bộ lô cổ phần 45%/vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược phải bỏ giá cao hơn giá đang giao dịch niêm yết.
Theo tính toán, dự kiến giá đấu thành công không thấp hơn 25% so với giá niêm yết, tức là giá VNM được định giá khoảng trên 11,5 tỷ USD và Nhà nước sẽ thu được hơn 5 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị DN của VNM hiện nay là hơn 9 tỷ USD, nếu bán đợt đầu Nhà nước thu về khoảng trên 800 triệu USD.