Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã cập nhập thông tin nghiên cứu điều chỉnh dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Theo đó, cao tốc điều chỉnh sát về phía cửa khẩu, không đi về phía TP Cao Bằng đồng thời bỏ nút giao cao tốc TP Cao Bằng.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được đầu tư bằng trái phiếu DN? |
Như vậy, theo phương án điều chỉnh mới, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 (đoạn Đồng Đăng - TP Cao Bằng) sẽ giảm 3km, xuống còn 93km.
Kéo theo tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án giảm từ 13.700 tỷ đồng xuống còn 10.646 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 5.250 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 870 tỷ đồng và nguồn huy động hơn 4.000 tỷ đồng).
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện DN tham gia nghiên cứu dự án đề xuất phát hành trái phiếu DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn tín dụng cho dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Theo tính toán của DN này thì nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu DN để thực hiện cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khoảng 4.522 tỷ đồng. Trái phiếu được chuyển đổi, bảo đảm bằng quyền thu phí và bảo lãnh thanh toán của cơ quan có thẩm quyền. Lãi suất huy động từ trái phiếu khoảng 13%/năm.
Đặc biệt, lãnh đạo DN này đề nghị được đứng ra làm đơn vị phát hành trái phiếu DN còn đối tác thực hiện là các cá nhân, tổ chức, định chế tài chính, các DN trong nước và nước ngoài.
Bí thư tỉnh Cao Bằng Lại Xuân Môn cho rằng, Cao Bằng là tỉnh nghèo, phần lớn là người dân tộc thiểu số, thu ngân sách mỗi năm chỉ 2.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo quy định của Luật PPP hiện hành, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ tăng vốn hỗ trợ lên 60 - 70%.
Bên cạnh đó, ông Lại Xuân Môn cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, sử dụng vốn ngân sách địa phương của Lạng Sơn và Cao Bằng và không tính vào tổng vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án.