95 năm ngày thành lập đảng

Đề xuất nên coi dạy thêm là hoạt động có điều kiện

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/2, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2025.

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, cử tri và Nhân dân cả nước đã đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế và động lực mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2025 ngay từ những tháng đầu năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các lực lượng chức năng đã làm xuyên Tết, xuyên đêm, xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các hành vi vi phạm, làm tăng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Tỷ lệ tai nạn giao thông và số trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cần được các cơ quan chức năng quan tâm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn
Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, cử tri và Nhân dân tiếp tục lo lắng về tình trạng ngộ độc thực phẩm; tình trạng mất an toàn lao động còn xảy ra; một số vụ cháy rừng, cháy nhà dân sinh gây thiệt hại lớn về tài sản; tình hình dịch bệnh trong và sau Tết; vấn đề an toàn khi tổ chức các lễ hội truyền thống đầu Xuân và các lễ hội tại các địa phương…

Thảo luận về tình hình dư luận xã hội, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải tiếp tục nêu ra vấn đề dạy thêm, học thêm.

Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng mặc dù Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có những biện pháp “hơi mạnh”, nhu cầu dạy thêm, học thêm là cần thiết và là nhu cầu chính đáng nhưng phải tránh sự ép buộc và tiêu cực phát sinh.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu, thực tế việc dạy thêm cho học sinh chính khóa cũng rất tốt vì giáo viên nắm được chất lượng học của học sinh, bồi dưỡng học sinh cho tiến bộ; trường hợp học sinh muốn học nhiều hơn nữa có thể ra học ở các trung tâm và giáo viên có thể đăng ký dạy ở đó. Khi đó có thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính và người học cũng lựa chọn bình đẳng ở các trung tâm.

“Bảo đảm nhu cầu dạy thêm, học thêm chính đáng: Giáo viên giỏi có quyền dạy thêm để có thêm thu nhập, học sinh thiếu hụt về kiến thức hoặc muốn học giỏi hơn nên cần học thêm; nhưng phải tránh xảy ra những tiêu cực gây bức xúc trong xã hội”- Trưởng ban Công tác đại biểu nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh so sánh, việc nhà giáo dạy thêm ngoài giờ đúng chuyên môn cũng như thầy thuốc ngoài giờ đi khám bệnh, làm thêm; vấn đề là phải quản lý, tổ chức để tránh trục lợi, tiêu cực. Nhấn mạnh nhu cầu học thêm, học tập suốt đời là có thật, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho rằng có nhu cầu của học sinh và phụ huynh thì sẽ có dịch vụ để đáp ứng nhu cầu này.  “Chúng tôi có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên coi dạy thêm là hoạt động có điều kiện, tổ chức dạy học có nơi, có chỗ, có đăng ký để quản lý chặt chẽ, giảm bớt trục lợi, tiêu cực” - Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nói.

Kết luận phiên họp, đối với vấn đề dạy thêm, học thêm được cử tri và nhân dân quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, đồng thời tập hợp dư luận để có điều chỉnh, chỉ đạo để tránh tiêu cực. Chấp nhận dạy thêm, học thêm nhưng phải quản lý được.