Chiều 20/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình đề xuất về việc tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) để tăng cường huy động vốn cho ngân sách nhà nước, đồng thời từng bước thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ.
Trong đó, các giải pháp được đề xuất bao gồm việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP tại thị trường trong nước; cụ thể là phát hành TPCP với tất cả các kỳ hạn theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở chủ trương được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ sẽ tập trung điều hành phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên (dự kiến vào khoảng 60%-70% tổng khối lượng phát hành tùy vào tình hình thị trường).
Ảnh minh họa.
|
Theo đó, với điều kiện kinh tế vĩ mô, thị trường ổn định và khối lượng huy động qua kênh TPCP phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường, Chính phủ dự kiến kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP là 5,5 năm trong giai đoạn 2016 – 2020.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị huy động vốn thông qua phát hành TPCP tại thị trường quốc tế, nhằm giảm bớt áp lực huy động vốn tại thị trường trong nước và thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường TPCP trong nước, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo Tờ trình, trong năm 2015 - 2016, dự kiến sẽ phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ. Khối lượng phát hành dự kiến khoảng 3 tỷ USD. Kỳ hạn phát hành từ 10 đến 30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành.
Chính phủ nhận định, việc phát hành về cơ bản không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra là đến năm 2020 tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ luôn thấp hơn 50% tổng nợ Chính phủ.