Tuy nhiên, đã có một số ý kiến cho rằng, nếu triển khai sẽ gặp nhiều trở ngại. Còn Hà Nội nên tổ chức triển lãm để giới thiệu đề án trước người dân và tôi tin nhiều người sẽ ủng hộ ý tưởng này. Cải tạo cầu thành bảo tàng lịch sử cận đại
Theo đề xuất của KTS. Nguyễn Nga, trong tương lai, nên cải tạo xây dựng cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất trên thế giới. Để thực hiện ý tưởng này, cầu sẽ được nâng thêm 3m để cho tàu thuyền dễ dàng đi lại, gắn pháo trên những nhịp cũ để giữ lại ký ức một thời hào hùng của dân tộc. Ngoài ra, đường ray ở chính giữa sẽ trở thành một không gian mới dành riêng cho những hoạt động văn hóa sáng tạo. Những không gian tách biệt, có hoặc không có mái che, cho phép tổ chức các sự kiện ngắn hoặc dài ngày. Cây xanh và đèn đường sẽ được trồng hai bên, tạo ra con đường đi bộ thơ mộng.
"Điểm nhấn của dự án chính là bãi giữa sông Hồng sẽ được cải tạo, đắp cao và kè bờ để quy hoạch thành "Công viên nghệ thuật" với vườn sinh vật tự nhiên và nhân tạo, vườn hoa đào, hoa hồng; những kiốt âm nhạc, khu nghỉ mát có mái che và ghế ngồi, đường đi xe đạp, sân trượt patin, tường leo núi… Riêng phần mũi bãi giữa được quy hoạch thành khu trồng dâu, tạo không gian cho những làng nghề dệt lụa" - KTS Nga nói.
KTS Nguyễn Nga cũng đề xuất, tại bờ phải của sông Hồng (phía Long Biên) - nơi còn 2,5ha đất bỏ trống đang bị dùng làm chỗ đóng than tổ ong - dự định xây Tháp Sen Bảo tàng Nghệ thuật đương đại.
Bảo tàng Nghệ thuật đương đại có hình dáng của bông sen đang hé nở - loài hoa được đề cử là Quốc hoa của Việt Nam - được làm bằng kim loại và gỗ. Đây sẽ là nơi giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật đương đại, công nghệ mới của Việt Nam và quốc tế. Ở tầng thượng (tầng 9) sẽ là một không gian mở nhìn ra toàn cảnh Hà Nội, với những kính viễn vọng quan sát thiên văn.
Tháp nước Hàng Đậu dự kiến được cải tạo và thiết kế thành một Bảo tàng cổ vật, trưng bày những bộ sưu tập cá nhân độc đáo. Một phố đi bộ xanh mang tên "Đại lộ hòa bình" nối liền những điểm văn hóa lịch sử của Thủ đô dài 4 km cũng được đề xuất triển khai. Tuyến phố sẽ cho phép du khách khám phá khu trung tâm Hà Nội, với điểm xuất phát là Nhà hát Lớn, đi qua vườn hoa Lý Thái Tổ, quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Hàng Ngang, Hàng Đào… đến Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên.
KTS Nguyễn Nga nhấn mạnh: "Việc tiến hành những dự án táo bạo trên đây sẽ cho phép cải thiện môi trường sống của những người Hà Nội; thay đổi dần không gian đô thị của Thủ đô xung quanh trục đường đi bộ xanh; tăng thêm không gian xanh cho Hà Nội…".
Phải giữ được cái đã có
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) khẳng định: Hiện Thủ tướng đã chấp thuận phương án của Bộ GTVT là sẽ xây dựng một cầu Long Biên mới cách cầu Long Biên cũ 186m. Cầu mới sẽ đảm bảo công năng cho tuyến đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi và bao gồm cả đường sắt quốc gia. Tương lai đường sắt sẽ không đi vào cầu Long Biên cũ nữa.
Ông Sơn cho rằng, dự án này rất tâm huyết. Nhưng phải có sự ủng hộ của chính quyền và rất nhiều người mới có thể thực hiện được. Đồng thời, các yếu tố cảnh quan cũng cần phải tính đến, nhất là việc giải phóng mặt bằng 2 bên đầu cầu. Phương án nâng cấp cải tạo cầu Long Biên cũng đã được Bộ GTVT đặt ra cho các phương tiện giao thông và người đi bộ. Tuy nhiên, theo ông Sơn, không thể làm một cây cầu mới vừa đẹp vừa hoành tráng, nếu giữ nguyên cảnh quan cũ.
GS Nguyễn Lân, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam băn khoăn cho rằng, việc biến cây cầu này thành một công trình văn hóa là một ý tưởng rất hay. Nhưng nên bảo tồn theo phương án giữ nguyên trạng, nhằm giữ lại một phần ký ức lịch sử đã qua. Việc nâng các mố cầu cao 3m phải tính đến hiệu quả sử dụng có cần thiết. Hơn nữa, móng cầu cần phải giữ, vì đó là xương máu của biết bao người Việt Nam... "Tránh tất cả những can thiệp mới càng ít càng tốt. Tôi cho rằng, ý tưởng này rất hay và hoàn toàn làm được nếu như chúng ta thực sự nghiên cứu và có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành. Nhiều người nói hiện ở khu vực gầm cầu có rất nhiều nhà bất hợp pháp nhưng bứng họ đi lại là chuyện phức tạp, vậy phương án như thế nào? Phương án, dự án và kế hoạch thì tính sau bởi bây giờ là ý tưởng" - GS Lân nói. Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia đồng tình ủng hộ dự án và đã góp ý thêm. Tuy nhiên, họ cũng băn khoăn về tính khả thi của dự án và mức kinh phí thực hiện!.
Cầu Long Biên là cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, được khởi công xây dựng vào tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và thi công, khánh thành tháng 2/1902. Cầu chính qua sông dài 1.682m và cầu dẫn dài 896m, gồm 19 nhịp đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng). Cầu chia thành 9 khung khổng lồ, mỗi khung dài 61m. Giữa là đường xe lửa, hai bên là đường đi bộ.
* Nếu được triển khai, dự án được dự kiến thực hiện trong 10 năm, với mức đầu tư sơ bộ lên tới 4.860 tỉ đồng. Trong đó, dự án tháp nước Hàng Đậu (50 tỉ đồng) được hoàn thành năm 2013; Tháp Sen - Bảo tàng Đương đại (100 tỉ đồng) và cầu Long Biên - Bảo tàng Lịch sử (3.900 tỉ đồng) hoàn thành năm 2018. Bà Nguyễn Nga - KTS quy hoạch đô thị Paris * Để bảo tồn, đầu tiên chúng ta phải xếp hạng được di sản này để có cơ quan quản lý độc lập cho cầu Long Biên chứ hiện nay có rất nhiều đơn vị cùng quản lý. Còn phương án tài chính, ở thời điểm hiện nay, như Ban Quản lý phố cổ đang làm chính là khuyến khích xã hội hóa bởi nguồn ngân sách để đầu tư cho một sản phẩm văn hóa như khái toán vài nghìn tỉ là khá lớn. Nên đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu phương án cũng như kết quả nghiên cứu tới các doanh nghiệp và xã hội. Ông Phạm Tuấn Long - Phó Ban Quản lý phố cổ Hà Nội * Đây là lần đầu tiên một ý tưởng về cải tạo cầu Long Biên được đưa ra. Nó đầy sáng tạo, táo bạo và rất khả thi. Đề án đã khai thác tối đa cơ sở vật chất hiện có, từ khoảng không gian dưới gầm cầu cho tới tháp nước Hàng Đậu, bãi giữa… Tôi thấy ý tưởng biến bãi giữa thành công viên nghệ thuật và trồng cây rất khả thi vì nếu có ngập úng thì tổn hại cũng không đáng kể và nhiều khả năng chúng ta thực hiện được. Vừa rồi chúng tôi sang Đức và thấy họ có cây cầu không đẹp bằng của mình nhưng cũng được UNESCO công nhận là di sản. Vậy tại sao trước hết chúng ta không công nhận đây là di sản quốc gia? Tôi nghĩ Hội Quy hoạch kiến trúc nên đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải giữ cầu Long Biên thành cầu lịch sử, chỉ phục vụ giao thông nhẹ. PGS. TS Vũ Thị Vinh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam |