Cùng với đó là các chính sách về giãn, giảm thuế đặc biệt là với những DN khởi nghiệp. Xóa hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế (NNT) thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014 là 7.421,286 tỷ đồng. Lý giải về đề xuất này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, qua tổng kết thực tế việc xử lý nợ thuế cho thấy, quy định của pháp luật về xóa nợ thuế chưa bao quát hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý được tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan… Cụ thể, nhiều NNT cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn từ ngân sách nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2011, theo pháp luật về quản lý thuế, NNT được gia hạn nộp thuế tối đa một năm và không phải tính tiền chậm nộp trên thời gian gia hạn nếu chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy, những trường hợp khác (phát sinh trước ngày 1/1/2011) tiếp tục khó khăn do vẫn bị tính tiền chậm nộp thuế.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, trong những năm gần đây, với khoảng 500.000 DN nhưng hàng năm có khoảng 10% DN giải thể, phá sản nhưng không thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về DN, về phá sản. Trong khi các hộ kinh doanh phần lớn bỏ hoạt động là do thua lỗ. Chính vì vậy, nếu đặt vấn đề phải áp dụng các biện pháp để thu hồi hết nợ của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh là không khả thi, vì họ chỉ còn tài sản đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng kiến nghị chỉ xóa nợ cho hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014 và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 1/1/2014 - 31/12/2015. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP quyết định việc xóa nợ sau khi các cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh… xác minh hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh và đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy trình quản lý nghiệp vụ thuế. Phải công khai Trước đề xuất trên của Bộ Tài chính, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài việc đặt ra những tiêu chí rõ ràng cũng cần công khai danh sách DN được xóa nợ thuế để DN, người dân có sự kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các DN, tránh việc lợi dụng: “Trên thực tế có những DN Nhà nước cố tình chây ì nợ thuế nhưng cơ quan thuế không dám mạnh tay như đối với các DN tư nhân. Nếu không công bố rõ ràng, DN có quyền nghi ngờ về sự công bằng trong chính sách này”. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lại đặt vấn đề, Bộ Tài chính cũng cần cân nhắc đến từng trường hợp xóa nợ cụ thể nhằm tránh tình trạng DN lợi dụng chính sách này. Đơn cử những DN bị đối tác phá bỏ hợp đồng kinh tế, hoặc phải vay các tổ chức tín dụng với lãi suất cao… là không hợp lý. Bởi lẽ, đây là những rủi ro trong quá trình hoạt động của DN, chứ không thể được xếp thành nguyên nhân khách quan. Cùng với việc xóa, khoanh nợ thuế thì chính sách giảm thuế suất, nhất là thuế thu nhập DN nên coi là chính sách căn cơ. Trong đề xuất, Bộ Tài chính cũng kiến nghị giảm thuế suất phổ thông thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa từ 20% xuống còn 17% áp dụng trong thời hạn tối đa 4 năm, bắt đầu từ 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020. Chính sách này có thể sẽ giảm thu một phần ngân sách, tuy nhiên sẽ giúp tái đầu tư, hỗ trợ khá tốt cho DN. Nói như bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, hiện nay, số lượng thuế thu nhập DN của DN nhỏ và vừa không nhiều nhưng với quy mô một DN nhỏ, vốn đầu tư eo hẹp thì việc giảm thêm 3% thuế cũng rất tốt, có tác dụng lớn đối với các DN.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014 và số thu thuế thu nhập DN năm 2015 cho thấy, nếu xác định DN nhỏ và vừa theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng thì số lượng DN này chiếm đến trên 86%, tuy nhiên số thu về thuế thu nhập DN chỉ khoảng 2.700 tỷ đồng. |