Chợ sâm Geumsan
Có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp với cây sâm, nên mỗi năm, sản lượng sâm thu hoạch của TP miền núi Geumsan (tỉnh Chungcheongnam) chiếm tới 80% trong tổng số 20.000 tấn nhân sâm của cả nước. Khi tới Geumsan, du khách không thể bỏ qua chợ sâm Geumsan với hơn 1.300 cửa hàng mở cửa vào ngày 2, mùng 7 hàng tháng.
Tại chợ, nhân sâm được bày la liệt, từng mớ, từng thùng như khoai, sắn bán ở các chợ Việt Nam. Từ 6 giờ sáng đến tối mịt, du khách và dân địa phương chen chúc, len lỏi giữa những thùng, những mớ nhân sâm to có, nhỏ có. Các du khách tìm đến chợ, một phần muốn mua sâm để làm quà sau chuyến du lịch, một phần vì muốn thưởng thức thứ văn hóa chợ rất riêng của xứ Kim chi. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng mỗi khi có khách hỏi mua hàng, người bán luôn niềm nở mời chào, rồi bằng ngôn ngữ cơ thể, người bán - người mua thoải mái ra giá, ngã giá cho món hàng.
Khi tôi có ý hỏi mua sâm, người bán hàng tuy đã cứng tuổi vẫn thoăn thoắt gọt vỏ, xắt lát mời nếm thử. Miếng sâm tươi khi đưa vào miệng ban đầu hơi đắng, nhưng sau mới thấy vị ngọt dịu ngấm dần nơi đầu lưỡi.
Nếu như du khách châu Âu đến chợ Geumsan chủ yếu ngắm nhìn, chụp ảnh những bộ rễ cây giống vóc dáng con người, thì khách châu Á lại chọn chợ này làm điểm đến bởi giá sâm luôn rẻ hơn thị trường 20 - 25%. Tại chợ chuyên kinh doanh sâm Gyeongdong (Thủ đô Seoul), giá sâm tươi loại 6 năm tùy vào kích cỡ, chất lượng được người bán ra giá khoảng 80 - 120USD/kg thì giá loại sâm tốt nhất tại chợ Geumsan chỉ ở mức 70 - 80 USD/kg; sâm 4 - 5 năm tuổi có giá 30 - 40 USD/kg (trong khi một cây kem ốc quế đã có giá 3 USD). Với lợi thế về giá, nên trong 2 ngày họp chợ, sản lượng tiêu thụ nhân sâm tại Geumsan có thể lên đến cả tấn là chuyện bình thường.
Dù giá bán thấp hơn thị trường nhưng theo ông Yoon Sang Ho - đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, tất cả các sản phẩm nhân sâm buôn bán tại chợ Geumsan đều được kiểm định chất lượng rất kỹ. Nếu phát hiện bán hàng giả, hàng nhái, cửa hàng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh và xử phạt khá nặng. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm sâm trên thị trường Hàn Quốc đều "xịn" như du khách tưởng. Anh Lê Bình - Giám đốc Công ty CP Quốc tế Daesan, người đã có thâm niên 7 - 8 năm kinh doanh nhân sâm tại Seoul cho biết, trên thị trường vẫn xuất hiện sâm nhập lậu từ Trung Quốc với giá rẻ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, một số cửa hàng kinh doanh sâm còn "bắt tay" với các công ty lữ hành dụ du khách mua loại sâm này với giá cắt cổ để sử dụng hoặc làm quà.
Độc đáo ẩm thực nhân sâm
Tại Hàn Quốc, với lịch sử phát triển lâu dài, nhân sâm không chỉ là vị thuốc quý để bồi bổ sức khỏe mà còn trở thành nguyên liệu chế biến trong các bữa ăn hàng ngày. Chỉ cần dạo qua các siêu thị Hàn Quốc có thể thấy những hộp nhân sâm loại 1 - 2 năm tuổi được bày bán tại khu vực rau quả với giá chỉ 3.000 won/củ (khoảng 60.000 đồng).
Du khách chờ thưởng thức món kim chi nhân sâm
|
Tại chợ sâm Geumsan, bên cạnh khu bày bán sâm tươi, sâm khô, rượu sâm…, còn có khu ẩm thực với rất nhiều món ăn được chế biến từ sâm tươi như chè sâm, kim chi sâm, gà tần sâm, cơm trộn sâm, salad nhân sâm... Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả là món nhân sâm nguyên củ tẩm bột rán có giá chừng 10 USD/phần (7 củ). Những khay sâm chiên đã "níu" chân nhiều du khách bởi ai cũng muốn thưởng thức ngay món ăn độc đáo này. Có thử ăn mới thấy vị ngậy béo, giòn thơm của lớp bột bọc ngoài, rồi đến vị nhan nhát đắng, nhan nhát ngọt, kèm theo mùi thơm mát của củ sâm tươi và cả vị cay ngọt dịu của nước sốt chấm kèm. Hỏi bí quyết của người bán hàng mới biết, để món sâm tẩm bột rán này dễ ăn lại không quá đắt, nguyên liệu thường là sâm tươi 3 - 4 năm tuổi, còn vỏ bánh gồm ít bột mì, một chút bột nở, lòng đỏ trứng gà, một chút muối, nước lạnh. Sâm tươi được nhúng ngập vào dung dịch bột đã được trộn đều, rồi cho vào chảo dầu đang nóng già, khi bột phồng lên, màu chuyển hanh vàng, tỏa mùi thơm, thì lật qua lật lại đến khi củ sâm chuyển màu vàng rộm là có thể thưởng thức ngay. Trong khu ẩm thực còn có rất nhiều món ngon từ sâm khác như cơm trộn sâm, chân giò hầm sâm, kim chi sâm…, nhưng gà hầm sâm là món mà nhiều người muốn thử nhất vì được mệnh danh là "quốc hồn quốc túy" của Hàn Quốc.
Với lợi thế về giá, về chất lượng sản phẩm nên cứ mỗi độ Thu về, khi những cây phong, ngân hạnh nhuộm sắc vàng đỏ và Geumsan bước vào thời điểm thu hoạch sâm, du khách từ khắp nơi trên thế giới đã lựa chọn Hàn Quốc là điểm đến khám phá. Đặc biệt, theo ông Kang Sungghil - Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO), du khách Việt đến Hàn Quốc để du lịch, mua sắm ngày càng nhiều. Tính đến hết tháng 11/2014, lượng khách Việt Nam tới thăm Hàn Quốc ước đạt 130.604 lượt người, tăng 19,5% so với năm 2013. Rõ ràng, cách quảng bá các biểu tượng của văn hóa ẩm thực là nhân sâm, kim chi để thu hút du khách tới Hàn Quốc tìm hiểu, khám phá đã phát huy hiệu quả và là điều rất đáng để ngành du lịch Việt Nam học hỏi.