Trong bản quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngoài 5 tuyến đường sắt đã được phê duyệt trước đó, còn có thêm 3 tuyến mới là: Nội Bài – Phú Diễn – Hà Đông – Ngọc Hồi, Mê Linh – An Khánh – Dương Nội, Mai Dịch – Yên Sở - Lĩnh Nam – Dương Xá, khu vực nội đô cũng sẽ có 6 tuyến tàu điện ngầm. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ hình thành các tuyến cao tốc và tuyến hướng tâm có quy mô 6 – 8 làn xe, hành lang tuyến 100 – 110m. Đó là các tuyến cao tốc Bắc – Nam, đại lộ Thăng Long – Hòa Bình, đường cao tốc phía Tây (đường Hồ Chí Minh), cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai, , Nội Bài – Hạ Long. Đồng thời các tuyến đường sắt hướng tâm gồm: Tây Thăng Long – Sơn Tây, đường 32, trục Hồ Tây – Ba Vì, Đại lộ Thăng Long, Hà Đông – Xuân Mai, Ngọc Hồi – Phú Xuyên sẽ được cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Về hệ thống đường vành đai, Hà Nội sẽ hoàn chỉnh vành đai 1 quy mô 6 – 8 làn xe (Cầu Giấy – Trần Khát Chân), vành đai 2 quy mô 10 làn xe, trong đó đoạn Cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở xây dựng quy mô đường 2 tầng. Vành đai 3 quy mô 10 – 12 làn xe trong đó đoạn cầu Thăng Long - cầu Thanh Trì có đường cao tốc đô thị trên cao 4 làn xe….Tuy nhiên hiện mới có Đại lộ Thăng Long là tuyến cao tốc đô thị đầu tiên thông xe. Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho biết UBND Thành phố vừa phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe bus. Đề án với mục tiêu đến năm 2020, xe bus sẽ đáp ứng được 25% nhu cầu đi lại của người dân. Dự kiến, giai đoạn 2011 – 2015 sẽ có 91 tuyến xe bus trong mạng và giai đoạn 2016 – 2020 sẽ nâng lên 98 tuyến. Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, cơ sở hạ tầng giao thông đô thị tại Hà Nội sau năm 2030 sẽ thay đổi đáng kể, đủ sức góp phần giải tỏa vấn nạn ùn tắc giao thông đô thị.