KTĐT - Theo quan sát, phần lớn khách mua được hàng đi ra đều có số lượng không nhiều. Mỗi người chỉ một vài túi con con mà bộ dạng ai cũng mệt mỏi.
“Ngày vàng” khuyến mãi 15/11 đã thực sự đem đến không khí đông đúc chưa từng có tại các siêu thị, trung tâm điện máy lớn của Hà Nội. Nhưng với nhiều người tiêu dùng, nó mới “hấp dẫn” chứ không hề “thú vị” như các thông tin quảng bá.
Giao thông hỗ loạn, công an cũng bất lực |
8h10 sáng 15/11, Phó GĐ siêu thị BigC Thăng Long, ông Nguyễn Thái Dũng đã cho biết, trước giờ siêu thị này mở cửa (8h), đã có khoảng 2.000 khách hàng chờ xếp hàng để vào mua sắm.
8h45, trục đường chính vào BigC Thăng Long trên đường Trần Duy Hưng tắc nghẽn hàng dài. Mặc dù lực lượng công an và bảo vệ được tăng cường trước cửa BigC để phân luồng xe chạy nhưng tình hình không khả quan khi dòng người càng lúc càng đổ xô về khu vực này.
Lúc 9h, cổng siêu thị phải tạm thời đóng lại vì lượng khách quá tải. Nhiều khách hàng đến nơi không được vào được cho biết, siêu thị đã không còn chỗ để xe, nhân viên bảo vệ không cho vào nữa.
Nhiều vị khách quyết định về luôn, nhưng một số vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Trong khi giao thông bên ngoài hỗn loạn thì khu vực bên trong siêu thị, đã thấy hàng người dài dặc xếp hàng chờ được ra.
Đến khoảng 9h30, tình cảnh tắc nghẽn càng tồi tệ. Hai chiều của đường Trần Duy Hưng từ ngã tư đường Hoàng Minh Giám đến ngã tư đường Phạm Hùng, các phương tiện và người đi bộ phải nhích từng bước cả dưới lòng đường và trên vỉa hè.
Tắc cả ngã tư đường vành đai Phạm Hùng |
Từ ngã tư đường Hoàng Minh Giám đến cổng siêu thị BigC chỉ vài chục mét mà người ta phải mất 30-40 phút luồn lách. Trước cổng vào siêu thị, không ít người nhao nhao: “nhìn thấy cổng rồi mà không sao vào được”.
Ông Hải, nhà ở khu vực Đê La Thành cùng vợ dong xe máy chen thật lực trên vỉa hè đường Trần Duy Hưng than thở “thật không cái dại nào bằng cái dại nào”. Khi đã đến gần cổng BigC, ông Hải quay ra hỏi vợ, “thế có vào nữa không?”. Hai vợ chồng và nhiều người thống nhất quay về.
Vậy mà “tiến thoái lưỡng nan”, trước mắt dòng người cứ ùn ùn đổ về, không có chỗ để quay lại, ông và bà xã phải xuôi chiều vòng vào siêu thị để tìm đường ra.
Giữa cổng BigC, chị Thư tay xách được một vài túi đồ mua trong siêu thị cho biết, bên ngoài đã thế này, bên trong còn đông hơn.
Nhiều khách hàng cho biết, chưa tính tắc đường, chỉ riêng gửi xe và lấy luôn xe ra khỏi siêu thị, họ cũng mất 3 - 4 tiếng đồng hồ buổi sáng |
“Nghe tin có khuyến mãi lớn, tranh thủ Chủ nhật, cả gia đình đi mua sắm sớm. Vậy mà vào bên trong, mới mua được vài món đồ, cả nhà nhất quyết đi về luôn. Quầy thanh toán xếp hàng đông đến nỗi, rất nhiều trường hợp khách hàng bỏ của chạy lấy người” – chị cho hay.
Theo quan sát, phần lớn khách mua được hàng đi ra đều có số lượng không nhiều. Mỗi người chỉ một vài túi con con mà bộ dạng ai cũng mệt mỏi. Nhiều người cho biết, để mua được những món đồ này, họ phải có mặt tại BigC từ 7h sáng.
Một khách hàng nữ trung tuổi bên túi hàng gồm một số chai gia vị bếp núc, trong lúc đợi con trai ra đón liên tục khuyên những phụ nữ khác đang hăm hở vào siêu thị, rằng không nên vào nữa vì bên trong đông đến nỗi không thể mua sắm gì được.
“Nghe quảng cáo là giảm giá đến một vài trăm nghìn những món đồ lớn, vậy mà cuối cùng, tôi chỉ mua được mấy chai đồ gia vị, mức giảm chỉ 1.000-2.000 đồng mà quá mệt. Nhìn chung, giá cả các mặt hàng vẫn không khác ngày thường bao nhiêu” – khách hàng này nói.
7h sáng có mặt tại BigC chỉ mua được 1 túi thế này. Đến 10h vẫn chưa lấy được xe ra, khách hàng này khuyên mọi người không nên vào |
Cảnh khách hàng phải vượt rào để ra hoặc vào BigC hôm nay không hiếm |
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Metro Thăng Long trên đường Nguyễn Văn Đồng. Tuy là siêu thị bán buôn, khách hàng đến mua sắm tại đây đều phải có thẻ khách hàng, vậy mà mới 9h sáng, siêu thị này đã đông đến nỗi phải tạm thời đóng cửa.
Anh Nguyễn Vinh, nhà trên đường Thụy Khuê cùng gia đình đến mua sắm tại Metro mô tả, bãi đỗ xe của Metro đông nghìn nghịt, nhân viên bảo vệ thông báo hết chỗ gửi nên gia đình anh vừa đến nơi đã phải tìm đường về luôn.
Còn tại Metro Hoàng Mai, nhiều khách hàng phản ánh phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ mới đến lượt thanh toán. Đã vậy, siêu thị lại không có xe đẩy hàng, không có giỏ xách tay nên chọn hàng xong, khách toàn phải bưng, bê, khuân, vác trông rất luộm thuộm, nhếch nhác.
Trong khi đó, tình trạng kẹt xe cũng diễn ra khoảng 1 cây số từ cầu vượt Ngã Tư Sở thẳng hướng đường Nguyễn Trãi. Trước cửa trung tâm điện máy Pico, đám đông khách hàng và cả những người hiếu kỳ đứng tràn cả lòng đường.
Khoảng 9h kém bãi xe vào Pico mặc dù đã được cơi nới diện tích để xe gấp đôi những ngày cuối tuần khác, đã thông báo không còn chỗ để.
Một khách hàng nam quay về chia sẻ: “Về thôi, đông thế này vào cũng chả mua sắm gì được. Tiết kiệm được tiền chưa biết nhưng đã thấy quá mất thời gian và công sức rồi”.
Nhiều khách hàng bỏ về |
Theo các siêu thị, trung tâm điện máy, phản ứng của người tiêu dùng trong ngày vàng như vậy chứng tỏ người Hà Nội và các tỉnh lân cận rất quan tâm đến Tháng Khuyến mại này.
Làm được như vậy, ngoài chương trình khuyến mại đậm nét đối với nhiều mặt hàng thiết thực, phải kể đến hiệu quả của công tác truyền thông của thành phố nói chung và các đơn vị nói riêng cho Tháng Khuyến mại.
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, thành viên Ban Tổ chức Tháng Khuyến mại nhìn nhận, việc tuyên truyền cũng như con dao 2 lưỡi. Tuyên truyền, quảng bá cũng phải đúng mức, trung thực, khách quan.
“Việc tuyên truyền quá, hô khẩu hiệu quá, thông tin là nhiều mặt hàng giảm giá đến 50% nhưng thực tế khách hàng vào không thấy sẽ rất nguy hiểm. Nó sẽ khiến mất lòng tin ở người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, mặc dù khuyến mãi có hấp dẫn đến mấy nhưng việc tổ chức không thuận tiện, gây phiền hà, mệt mỏi cho người dân đến mua sắm thì những lần sau, nghe đến khuyến mại lớn, họ sẽ liên tưởng đến cảnh chen chúc, ngột ngạt, chờ đợi mỏi mòn và quyết định ở nhà cho khỏe.