Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đi lại đắt đỏ vì giá xăng tăng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều dịch vụ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội đang trong đà tăng giá kể từ khi xăng đắt thêm 2.900 đồng mỗi lít.

KTĐT - Nhiều dịch vụ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội đang trong đà tăng giá kể từ khi xăng đắt thêm 2.900 đồng mỗi lít.

Đi xe ôm từ văn phòng tại đầu Thái Thịnh đến cổng ĐH Công đoàn trên đường Tây Sơn hôm 27/2, chị Hương được bác xe ôm tính 15.000 đồng. Thắc mắc bình thường quãng đường này chỉ hết cùng lắm 10.000 đồng, chị nhận được lời giải thích: “Xăng tăng giá, cháu thông cảm”.

Nhiều người chở xe ôm khác cũng đã nâng giá dịch vụ ngay sau khi xăng tăng lên 19.300 đồng một lít. Mức tăng tùy quãng đường tương ứng, nhưng nếu trong nội thành, sẽ phổ biến 5.000-10.000 đồng một lượt chở. Anh Nguyễn Văn Hoàng quê Xuân Trường, Nam Định, chở xe ôm trên phố Cát Linh, phân trần hiện tại giá xăng đã đắt, nếu không tăng giá thì người chở không có công, nên mong khách thông cảm.

Anh kể, mỗi ngày, trừ chi phí ăn uống, xăng xe, anh cũng kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng. Trước, với số tiền này, có thể trang trải mọi sinh hoạt, nhưng hiện tại thì không thể đủ được. Tiền nhà trọ đã hết 900.000 đồng một tháng, thêm tiền điện, nước cũng mất tòm tèm 200.000 đồng.

Vợ bán xôi, cơm nắm, chồng xe ôm, thu nhập cả gia đình mỗi tháng khoảng 4 triệu nhưng bao nhiêu nhu cầu đều trông vào số tiền ít ỏi này. “Nhiều khách cứ phàn nàn sao giá chở xe ôm lại đắt thế, nhưng khi được giải thích là do giá xăng tăng, nên mới phải tăng, thì họ cũng thông cảm”, anh Hoàng cho hay.

Chưa có thông báo chính thức tăng giá cước từ hãng, nhưng không ít người lái taxi cũng phải áp dụng phương án “mong cách thông cảm” bằng cách đề nghị khách trả thêm tiền cước.

Anh Nguyễn Văn Đức, tài xế taxi Thăng Long cho hay, tuy chưa có thông báo tăng cước, nhưng từ vài hôm nay, anh đều phải tìm mọi cách để thương lượng với khách trả thêm tiền. Nguyên nhân là, chi phí đổ xăng chạy xe mỗi ngày đắt thêm ít nhất hơn 100.000 đồng từ khi giá xăng tăng. Trước, xăng 16.400 đồng một lít, đổ đầy bình 38 lít, chỉ hết hơn 600.000 đồng. Nhưng hiện tại, giá xăng là 19.300 đồng một lít thì chừng ấy xăng tốn thêm 100.000 đồng mà cước thì chưa được tăng.

Nếu vẫn thu tiền khách theo cước cũ, thì coi như đi làm không công nên từ vài ngày nay, mỗi lần khách lên xe, anh Đức cho hay đều nói khó để khách trả thêm tiền. “Nhiều người thông cảm, nhưng cũng có nhiều người tỏ ra khó chịu, vì cước taxi cũng không hề rẻ như xe ôm hay xe buýt, nên gặp khách khó tính thì họ nguây nguẩy đi ngay”, anh Đức kể.

Đối phó với mức tăng cao kỷ lục của giá xăng, nhiều tài xế taxi lại tìm cách để tiết kiệm tối đa chi phí. Anh Nguyễn Văn Việt, hay bắt khách quanh khu vực đường Trần Duy Hưng- Phạm Hùng kể, bình thường, cứ có điện thoại của tổng đài là các tài xế lại chạy đi đón khách. Nhiều khi, hai xe cùng hãng lại “đụng” nhau cùng một địa điểm là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, từ khi giá xăng tăng, để tiết kiệm, nhiều người chọn cách chỉ đậu tại một điểm cố định, có khách là chạy chứ không dám lòng vòng bắt khách như trước. Anh kể, hôm nào đủ định mức, thì chẳng muốn chạy nữa, cứ đỗ xe một chỗ, có khách thì đi. “Chạy nữa thì cũng lỗ vì giá xăng thì tăng mà giá cước chưa tăng”, anh Việt ngao ngán nói.

Việc tăng cước vận tải của nhiều hãng taxi vẫn đang còn trong kế hoạch. Theo tìm hiểu, cho đến ngày 27/2, mức cước của đa phần các doanh nghiệp taxi vẫn như cũ. Tuy nhiên, về lâu về dài, những đơn vị này cho biết sẽ nghiên cứu phương án điều chỉnh cước vì hiện tại, giá xăng đã tăng, nên nếu giữ cước cũ sẽ có thể phải bù lỗ.