Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Dị nhân” trong làng bóng đá Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mới vào bóng đá có mấy năm mà bầu Trường (tức ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch Tập đoàn Xi măng Vissai) đã nổi lên như một trong những ông bầu kỳ lạ nhất của bóng đá Việt Nam.

KTĐT - Mới vào bóng đá có mấy năm mà bầu Trường (tức ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch Tập đoàn Xi măng Vissai) đã nổi lên như một trong những ông bầu kỳ lạ nhất của bóng đá Việt Nam.

Đa số những ông bầu đều là doanh nhân thành đạt và tạm hiểu là họ có nhiều nét tương đồng về tính cách của những người đứng đầu sóng, ngọn gió trên thương trường. Thế nhưng, khi tham gia bóng đá thì mỗi người mỗi kiểu, đến mức họ trở thành những người kỳ lạ trong mắt mọi người.

“Kiểu gì làm cũng được”

Mới vào bóng đá có mấy năm mà bầu Trường (tức ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch Tập đoàn Xi măng Vissai) đã nổi lên như một trong những ông bầu kỳ lạ nhất của bóng đá Việt Nam.

Khởi đầu, ông đem 3 trận chung kết cúp quốc gia kể từ năm 2006 về Ninh Bình, vùng đất chẳng có gì liên quan đến bóng đá ngoài cái… sân vận động. Vậy mà năm 2007, khi ngồi trên khán đài nhìn cả sân đông nghịt người, ông Trường quyết định trong tích tắc là “làm” bóng đá và chỉ vài ngày sau đó, tại TPHCM, người ta chứng kiến ông Trường mua trọn gói đội Sơn Đồng Tâm cùng một suất đá hạng nhất. Từ con số 0 to tướng, bóng đá Việt Nam có thêm một ông bầu ở đất Ninh Bình.

Trong vòng có 2 năm, The Vissai Ninh Bình là tâm điểm của hàng loạt cú chơi ngông trên thị trường chuyển nhượng. Gần như bất cứ hợp đồng đình đám nào cũng có mặt của đội bóng này. Xấu có, tốt có nhưng tựu trung ai cũng dễ nhận thấy bầu Trường chẳng tiếc tay mua sắm cầu thủ đến mức cứ vào mùa giải mới là y như rằng The Vissai Ninh Bình có một đội hình mới toanh từ dàn HLV đến cầu thủ nội, ngoại.

Trong suốt quá trình ồn ào và đầy rẫy những tin đồn ấy, bầu Trường hầu như chẳng phát biểu gì. Ông lặng lẽ chi tiền không tiếc để đưa các ngôi sao như Nguyễn Hữu Thắng, Như Thành, Việt Thắng, Mai Tiến Thành… về vùng đất vẫn được gọi là Ninh… buồn. Ông cũng âm thầm tài trợ 10.000 USD mỗi tháng cho VFF trả lương HLV Calisto và đổi lại, sẵn sàng… tranh cãi pháp lý với chính VFF về vấn đề chuyển nhượng cầu thủ.

Chính những người làm việc chung với ông bầu này đều phải thừa nhận là “chẳng cách gì hiểu được” cách làm của ông. Bầu Trường giống bầu Đức của HAGL ở tính “chơi ngông” nhưng lại kín tiếng y hệt bầu Hùng tại Bình Dương.

“Quái chiêu” cở đó, chắc chỉ có bầu Kiên tại HN.ACB mới đáng xem là hơn.

Mê bóng đá, vậy thôi

Ông phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên là người mê bóng đá. Đội bóng mang tiếng là của ACB nhưng kỳ thực là vật sở hữu riêng của bầu Kiên.

Là ông bầu tư nhân đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nhưng bầu Kiên lại là người ít tham gia vào các cuộc đua tranh danh vọng. Với ông, cứ mỗi cuối tuần đến sân xem đội mình đá là hình như… đủ rồi. Đội của ông đã xuống hạng 2 năm nhưng ông nói sẽ bằng mọi giá đưa nó trở lại V-League. HN.ACB vẫn tham gia thị trường chuyển nhượng và bầu Kiên cứ đều đều móc tiền chi thưởng ngon lành ở các trận đấu có ý nghĩa quan trọng. Riết rồi người ta cũng quen tính cách rất “quái” của ông bầu này và tạm kết luận ông chỉ mê bóng đá, vậy thôi.

Ông cũng là ông bầu duy nhất chịu khó đi dự các buổi hội thảo bàn về bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam và tranh cãi rất hăng với những người làm chuyên môn. Thi thoảng, ông cứ giành quyền chỉ đạo đấu pháp của HLV theo kiểu nếu “mấy anh không đá được thì tôi sẵn sàng vào đá thay”.

Người ta kể rằng những ngày cuối tuần không xem đội nhà thi đấu thì ông lại mua vé máy bay sang Châu Âu xem giải ngoại hạng Anh hay Barcelona đá. Tóm lại, chẳng biết thế nào mà lần với ông bầu kỳ lạ này, cũng như chẳng biết bao giờ HN.ACB quay trở lại V-League. Hình như nhiệm vụ của đội này là cứ đá bóng vào mỗi cuối tuần ở hạng đấu nào cũng được cả.

Và những ông bầu rất... ông bầu

Hồi bầu Thắng của GĐT.LA quyết định đầu tư thêm đội Sơn Đồng Tâm (đá hạng nhất) rồi Ngói Đồng Tâm (đá hạng nhì) đã khiến nhiều người ngẩn ngơ thì đến khi bầu Hiển xuất hiện, ai cũng phải sốc. Chỉ bằng một đội hạng ba nửa nghiệp dư, nửa chính thức, T&T trong 3 năm thăng 3 hạng để bây giờ trở thành đại gia tại V-League. Chưa hết, bầu Hiển mua lại đội Đà Nẵng, nhà đương kim vô địch V-League, thông qua ngân hàng SHB. Ông định mua tiếp Tiền Giang qua công ty chứng khoán SHS không được thì “nhảy” sang Huế cũng không xong nên giờ đang đầu tư vào đội hạng nhất Quảng Nam. Có vẻ như bầu Hiển muốn có cùng lúc 3-4 đội đá V-League thì phải.

Lẽ ra người ta đã không biết ông Lê Văn Thành của Xi Măng Hải Phòng nếu không có cú “chuyển nhượng thập kỷ” mang tên Denilson. Giấu mình rất kỹ nhưng lúc có chữ ký của siêu sao này, ông Thành xuất hiện để chứng tỏ mình cũng là ông bầu dám chơi. Sau này, chính bầu Hiển của HN T&T cũng sử dụng “chiêu” này trong việc tuyên bố sẽ mua các siêu sao như Van Nistelrooy hay Robben…

Có vẻ như các ông bầu của Việt Nam đều là những “dị nhân” khi bước chân vào bóng đá. Mức độ chịu tốn kém chắc chắn không kém bất kỳ ông bầu nào trên thế giới, nhất là khi tại Việt Nam, đầu tư vào bóng đá chỉ cầm chắc chuyện mất tiền. Nhưng dù sao, nó cũng phản ảnh phần nào cái hoàn cảnh nhập nhằng của bóng đá chuyên nghiệp thời kỳ đầu tại Việt Nam.