Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di sản văn hóa phi vật thể thế giới - Mong manh giữa bảo tồn và mai một

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kéo co truyền thống của Việt Nam cùng với 3 nước khác được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đa quốc gia, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới thứ 10 của Việt Nam.

Kinhtedothi - Kéo co truyền thống của Việt Nam cùng với 3 nước khác được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đa quốc gia, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới thứ 10 của Việt Nam. 
Sau vinh dự, các chuyên gia văn hóa luôn canh cánh nguy cơ “nâng cấp” hoặc làm biến chất di sản vốn có, và danh hiệu Di sản thế giới không khéo sẽ làm hỏng di sản.

Hy vọng mang tên “khẩn cấp”

Mỗi khi một di sản dược ghi danh vào danh sách Di sản thế giới, điều kiện kèm theo luôn là khuyến nghị, cam kết của quốc gia thành viên trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản ấy. Bà Mechthid Roessler - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO nhấn mạnh trong một cuộc họp tại Việt Nam mới đây: “Di sản không chỉ dành cho chúng ta, quan trọng hơn thuộc về các thế hệ tương lai”. Điều này càng rõ nét hơn đối với các Di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách “cần bảo vệ khẩn cấp”.
Thi Kéo co tại Lễ hội Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội.  	Ảnh:  Phạm Dùng
Thi Kéo co tại Lễ hội Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Phạm Dùng
Việt Nam có Ca trù và Hát xoan là 2 di sản trong danh sách “cần bảo vệ khẩn cấp”. Trước khi “đem chuông đi đấm xứ người”, ngay các chuyên gia, nhà văn hóa của ta cũng nhắc đi nhắc lại nguy cơ di sản mai một, thất truyền. Chuyên gia của UNESCO khuyến nghị phải có được chương trình hành động để “hà hơi thổi ngạt” và báo cáo thành tựu về bảo tồn sau 4 năm. Nhiều quốc gia muốn di sản của mình thoát khỏi danh sách khẩn cấp, tuy nhiên yêu cầu nghiêm ngặt và thực tế thực hiện không đơn giản. Nhiều di sản “thoát khỏi” tình trạng khẩn cấp chưa bao lâu vẫn có thể bị “nhấc” trở lại danh sách này.

Năm 2009, không ít người đặt hy vọng khi Ca trù được ghi danh vào danh sách Di sản phi vật thể "cần bảo vệ khẩn cấp". 6 năm qua, di sản này vẫn khá chông chênh trên con đường thoát khỏi nguy cơ khẩn cấp. TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Việt Nam thừa nhận: “Chúng ta chưa có chiến lược bảo vệ Ca trù cụ thể. Viện Âm nhạc Việt Nam từng được giao nhiệm vụ xây dựng đề cương và kế hoạch chi tiết để chấn hưng Ca trù. Cái khó nhất hiện nay là việc Ca trù phân tán, ở mỗi nơi lại diễn biến hết sức phức tạp và rắc rối”. Thực tế, 15 tỉnh, TP duy trì mức độ bảo tồn khá manh mún. Phần lớn địa phương có di sản dừng lại ở mức độ kiểm kê, dành hỗ trợ ít ỏi trong ngân sách cho văn hóa để bảo tồn Ca trù. “Hà Nội là TP lớn, ở đó di sản Ca trù phong phú nhất phải xây dựng đề án cốt lõi, để từ đó nhân rộng ra địa phương khác” - bà Lý bày tỏ.

Hà Nội cũng được xem là nơi quan tâm đến việc “cứu” di sản, từ 5 CLB năm 2012, đến nay có 14 CLB và nhóm Ca trù hoạt động, có nhiều nghệ nhân nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của loại hình này. Không gian phố đi bộ cũng được ưu ái một phần cho nghệ nhân trình diễn Ca trù hàng tuần, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân, vừa là hình thức quảng bá di sản và du lịch cho Thủ đô. Tuy nhiên, như vậy chưa đủ và vẫn cần chiến lược lớn, toàn diện hơn đối với di sản này trên toàn quốc.

Trái ngược với Ca trù, Hát xoan có thể được xem là trường hợp tiên phong trên con đường ra khỏi cửa ải "khẩn cấp". Vừa qua, sau 4 năm Hát xoan được tôn vinh, tỉnh Phú Thọ có kế hoạch làm thủ tục xin UNESCO đưa di sản này ra khỏi danh mục “cần bảo vệ khẩn cấp”. Có thể nói thời gian qua, Phú Thọ là địa phương chi khá mạnh tay cho kế hoạch đưa Hát xoan khỏi nguy cơ mai một, với số tiền 140 tỷ đồng.

Trước khi Hát xoan trở thành Di sản thế giới, nhiều nhà chuyên môn ngờ rằng Phú Thọ... không còn Hát xoan. Nhưng từ 7 nghệ nhân ở tuổi xế bóng, nay tỉnh công bố có 62 nghệ nhân có thể truyền dạy, hơn 1.000 người tham gia 30 CLB Hát xoan. Ngoài chính sách đãi ngộ nghệ nhân có thể nói là đầy tiến bộ so với nhiều địa phương khác, Phú Thọ cũng chú trọng tu bổ 19 di tích là không gian diễn xướng của loại hình này. Năm 2016, chuyên gia của UNESCO có kế hoạch kiểm tra, giám sát và đánh giá khả năng Hát xoan có thể ra khỏi “danh sách đỏ” hay không. Hy vọng Hát xoan được chuyển sang danh sách Di sản phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2017, cũng có thể trở thành động lực cho nhiều địa phương khác trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Nỗi lo phổ cập, nâng cấp di sản

Trong một hội thảo về Ca trù mới đây do Hà Nội tổ chức, GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nêu quan điểm: “Tôi không ủng hộ chủ trương đưa Ca trù vào trường học. Ca trù không phải nghệ thuật có thể phổ cập”. Đây không phải lần đầu tiên hay ý kiến chuyên gia đầu tiên phản đối tư duy “phổ cập hóa” di sản của nhiều nhà quản lý văn hóa địa phương hiện tại. Không riêng với Di sản thế giới được UNESCO vinh danh, mà nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam như chèo, tuồng… cũng được đưa vào trường học. Bởi đào tạo kiến thức cơ bản để thưởng thức nghệ thuật khác với việc phổ cập và mong bảo tồn theo lối này. Không khéo không thể giữ được chiều sâu, bản sắc của di sản.

Nhiều chuyên gia cảnh báo xu hướng “xoan hóa” nếu Phú Thọ đầu tư dàn trải, rồi những kỷ lục ngàn người hát Quan họ dễ làm biến chất di sản. Mỗi kỳ di sản được vinh danh lại đi kèm với những nỗi lo thường trực. Năm ngoái, khi Ví giặm được vinh danh, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan lạc quan vì người dân Nghệ Tĩnh bảo tồn “rất ghê”. Dù có đỡ lo hơn di sản ở trạng thái khẩn cấp, nhưng ông cũng canh cánh nguy cơ “sân khấu hóa và mất đi không gian diễn xướng dân gian quen thuộc”. Nhạc sĩ khẳng định: “Không nên can thiệp quá sâu, mà nên tạo điều kiện cho nghệ nhân được trình diễn. Dân ca Ví giặm phải trở về cộng đồng, trở thành nhu cầu sinh hoạt thường ngày của người dân, để di sản bắt rễ sâu trong cộng đồng”.

Ví giặm, Quan họ cũng ngày càng tiệm cận với nguy cơ sân khấu hóa, phổ cập. “Đó là câu chuyện về việc đưa một diễn xướng văn hóa vốn chỉ bó trong không gian hẹp, giữa các chủ thể với nhau, ra một không gian rộng” - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền gọi tên hiện tượng này. Một trong những nguyên nhân có thể dễ chỉ ra là nhu cầu quảng bá di sản của địa phương và sự nôn nóng muốn lồng ghép di sản phi vật thể vào phục vụ du khách. Từ cuộc chơi của các liền anh liền chị Quan họ, giờ thì hội nghị, đám cưới và đủ cuộc vui đều có Quan họ góp mặt. Rồi bản chất hát mộc dần được thay đổi thành micro, tăng âm chát chúa khắp đồi Lim mỗi độ hội đầu Xuân. Ví giặm cũng đứng trước thách thức sân khấu hóa, chuyên nghiệp hóa làm thay đổi bản chất của di sản.

Một số di sản phi vật thể ở loại hình lễ hội, tín ngưỡng như Hội Gióng, hay Kéo co mới được công nhận gần đây lại đứng trước nguy cơ nâng cấp lễ hội. PGS.TS Nguyễn Văn Huy - người theo đuổi nghiên cứu Hội Gióng nhiều năm, tham gia kiểm kê di sản kéo co rất nhiều lần, nhấn mạnh nguy cơ biến tướng di sản nếu nâng cấp quy mô tổ chức. Hội Gióng là một trong số ít hội giữ được tính cộng đồng đặc sắc, ít chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý. TS Lê Thị Minh Lý từ khi còn ở vị trí lãnh đạo Cục Di sản văn hóa luôn nhắc đi nhắc lại yếu tố quan trọng: “Trả di sản về cho cộng đồng”. Không ít chuyên gia nhiều lần cảnh báo các nhà quản lý địa phương rằng, bảo tồn không khéo danh hiệu di sản thế giới lại góp phần làm biến mất, hủy hoại di sản theo một cách khác.
Quan trọng là phát huy giá trị di sản
Quan trọng không phải là công nhận mà là bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Việt Nam ta rất thích được công nhận, nhưng công nhận xong thì mặc kệ nó. Đó là điểm yếu của chúng ta.
GS Ngô Đức Thịnh 

Không cổ xúy nhân rộng
Nếu chúng ta tôn vinh quá lên hoặc không đúng mức mà không thấy được trách nhiệm, hoặc thấy được trách nhiệm nhưng phương pháp thực hiện không đúng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Với Hội Gióng chẳng hạn, tôi rất sợ sự tôn vinh quá mức tầm quan trọng của nó dẫn đến hành động can thiệp quá thô bạo vào những nội dung đã được hoàn chỉnh của hội này. Những di sản văn hóa phi vật thể như Hội Gióng, Kéo co không nên nhân rộng, nhân rộng sẽ mất tính linh thiêng, nên giữ những hoạt động văn hóa linh thiêng đó ở trong cộng đồng, trong môi trường văn hóa của họ. Nếu chúng ta biến thành lễ hội lớn, hô hào mọi người đến, di sản sẽ biến chất.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy