Đó là một câu hỏi được nhiều người đặt ra tại Hội thảo “Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Hà Nội. Tuy nhiên, có lẽ còn lâu nữa mới có câu trả lời, khi Việt Nam vẫn chưa định hình rõ nét thương hiệu du lịch của mình.
Quảng bá ôm đồm, không có điểm nhấn
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thương hiệu quốc gia của VN hiện nay chưa thực sự định hình rõ nét, thiếu định hướng mũi nhọn, thiếu thông điệp tập trung nói lên được sự khác biệt nổi bật của đất nước và còn nhầm lẫn thương hiệu quốc gia với thương hiệu của DN.
Phố cổ Hội An sẽ được phát triển thành thương hiệu du lịch văn hóa của Việt Nam. Ảnh: Internet
|
Nói về điểm yếu trong hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch VN (DLVN) hiện nay, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch, TGĐ Tập đoàn Truyền thông Lê - LeBros, đúc kết ngắn gọn: “Chưa bao giờ du lịch Việt chạm tới trái tim con người như Thái Lan”. Ông Vinh dẫn chứng bằng một video clip quảng bá du lịch Thái Lan lấy cảm xúc làm điểm nhấn chứ không phải cảnh đẹp thiên nhiên. Trong khi đó, quảng bá DLVN thì ngược lại, dàn trải, thiếu chiều sâu, tham hình ảnh, thông tin, “nhồi” quá nhiều cảnh đẹp, văn hóa, hình ảnh ẩm thực… vào cùng một video. Thông điệp quảng bá chung chung, hời hợt, không có điểm nổi bật khác biệt so với các nước lân cận khi vẫn “dùng một phương thức quảng bá truyền thông cũ kỹ của những năm 80 - 90 thế kỷ trước và mải miết làm theo phương thức đó” - ông Vinh nhận định.
Không chỉ có hoạt động quảng bá mà ngay cả slogan của DLVN hiện tại là “Timeless Charm - Vẻ đẹp bất tận” cũng được nhiều chuyên gia nhận xét là tĩnh lặng và thiếu sức sống, chưa thực sự chạm đến cảm nhận của du khách, “đang được định vị quanh lý lẽ chứ không phải cảm xúc” giống như thương hiệu DLVN.
Với tư cách là một thành viên của Hội đồng tư vấn chiến lược cho Tổng cục DLVN, ông Colin Pine - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm - đánh giá cao việc DLVN đã rất quyết liệt và tích cực trong việc phân tích để đưa ra những phương án để đạt được hiệu quả về xây dựng thương hiệu cho du lịch tại Việt Nam. Ông Colin Pine cho rằng, DLVN nên chú trọng tìm ra một thương hiệu có thể nói lên bản chất của Việt Nam song khi đối thoại hay đưa ra cho người nước ngoài, họ cũng phải cảm nhận được đó là một thương hiệu du lịch hấp dẫn và có bản sắc.
Đi tìm và phát triển “linh hồn” thương hiệu
Thương hiệu đã được xác định là vấn đề vô cùng quan trọng đối với DLVN, như Phó Tổng cục trưởng TCDL - Hà Văn Siêu nhấn mạnh: “Thương hiệu phải là vấn đề đi đầu, định hướng cho tất cả các chương trình hành động về sản phẩm, quảng bá; định vị ta ở đâu, là ai, đi đến đâu, có giá thế nào; thể hiện tính thương mại, tên tuổi của DLVN chỗ nào trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Ngành DLVN cũng đã xác định phát triển thương hiệu, trước hết là thương hiệu quốc gia, điểm đến quốc gia, vùng, địa phương, sản phẩm…”.
Kế đó đến việc phát triển đưa thương hiệu “bay cao, bay xa”. Là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển thương hiệu du lịch, ông Colin Pine khẳng định: “Thương hiệu cần được tích hợp vào các hoạt động marketing như tiếp thị trực tiếp, tham gia các hội chợ thương mại, qua kênh tiếp thị số như quảng cáo trực tuyến, Facebook...; đặc biệt việc tổ chức các sự kiện lớn thu hút đông du khách sẽ tác động tích cực tới việc tăng cường nhận biết và đẩy mạnh giá trị thương hiệu”. Ông Colin Pine lấy ví dụ giải golf Hồ Tràm mở rộng 2015 tại Việt Nam với sự tham gia của Top 10 golf thủ thế giới đã được truyền hình quốc tế trực tiếp, tiếp cận tới hơn 440 triệu khán giả thế giới, ước tính đạt giá trị truyền thông thương hiệu tương đương khoảng 57 triệu USD”. Nhờ vậy, hình ảnh thương hiệu của khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm nói riêng và du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung đã tiếp cận được tới nhiều du khách trong và ngoài nước.
Như vậy, để du lịch Việt Nam tìm được bản sắc thương hiệu thực sự, ông Hà Văn Siêu khẳng định: “Từ nay đến 2025 còn gần 10 năm nữa, ngành du lịch sẽ còn rất nhiều việc phải làm để có thể đạt được “mục tiêu đến năm 2025, thương hiệu DLVN được nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng điểm”.