Đi tìm lời giải cho bài toán phát triển làng nghề Hà Nội

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng nghề đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, giúp nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn Hà Nội. Việc xây dựng một đề án tổng thể nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển cho lĩnh vực này là vấn đề đặt ra cấp thiết.

Còn nhiều rào cản

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn TP hiện có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc 24 quận, huyện, thị xã, đã được UBND TP Hà Nội công nhận. Những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư của TP Hà Nội, các làng nghề duy trì hoạt động ổn định nhưng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Bùi Hồng Hà cho biết, trên địa bàn có làng nghề bánh tẻ Phú Nhi truyền thống. Dù được khá nhiều người biết đến, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

“Các hộ phát triển từ quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ nên nguồn lực đầu tư hạn chế. Kinh phí hỗ trợ của thị xã cho làng nghề rất thấp, không thấm vào đâu so với đầu tư công, nên việc phát triển rất khó khăn….” - bà Bùi Hồng Hà chia sẻ.

Sản phẩm từ tơ tằm của người dân làng nghề Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).
Sản phẩm từ tơ tằm của người dân làng nghề Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).

Trong khi đó, nguồn nhân lực là vấn đề mà Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Khuất Văn Nhâm băn khoăn nhất. Hiện, trên địa bàn huyện này có 59 làng nghề và 50 làng có nghề; tuy nhiên, nhiều làng đang bị mai một do không có thế hệ tiếp nối, giữ nghề truyền thống.

Cũng theo ông Nhân, nhiều làng nghề tại huyện Thạch Thất hiện nay mang lại giá trị kinh tế khiêm tốn. Một trong những khó khăn là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại các làng nghề rất hạn chế; thiếu kinh phí đầu tư và nhân lực chất lượng…

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng phát triển du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phạm Hữu Hảo chia sẻ, hiện nay TP đang đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch làng nghề. Tuy nhiên số lượng các làng du lịch gắn với làng nghề hiện chưa như kỳ vọng.

Nguyên nhân theo bà Hảo là bởi sản phẩm làng nghề hiện nay rất đơn điệu, có giá trị thấp, chưa hấp dẫn du khách. Điều này đến từ việc các làng nghề vẫn giữ tư duy đi làm gia công thay vì sản xuất sản phẩm tinh xảo và sự thiếu vắng đội ngũ thiết kế sản phẩm làng nghề chuyên nghiệp.

Sớm hoàn thành đề án phát triển

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của làng nghề, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương xây dựng đề án phát triển tổng thể làng nghề giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn thuộc Viện Chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) xây dựng đề cương đề án.

Trên cơ sở đề cương đề án do Trung tâm Phát triển nông thôn xây dựng, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị tham góp, lấy ý kiến của các sở ngành, địa phương. Các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý đã làm rõ hơn những vấn đề cần lưu ý trong quá trình xây dựng đề án, nhất là về yếu tố môi trường và phát triển bền vững.

TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) nhấn mạnh đề án cần đặc biệt quan tấm đến bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đây là định hướng được Chính phủ rất quan tâm và Hà Nội không thể bỏ qua trong đề án.

“Bên cạnh khuyến khích phát triển làng nghề, Hà Nội cũng cần nghiên cứu xem xét, có biện pháp quyết liệt dừng hoặc cấm hoạt động đối với các làng nghề gây tác động xấu đến môi trường…” - TS Đặng Thị Kim Chi nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, những năm qua, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, các nội dung hỗ trợ còn nhỏ lẻ, lồng ghép trong các chính sách chung, khiến việc khai thác giá trị làng nghề còn hạn chế.

Ông Nguyễn Đình Hoa cũng nhấn mạnh bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay đặt ra yêu cầu chất lượng, mẫu mã sản phẩm, minh bạch nguồn gốc xuất xứ và yếu tố bảo vệ môi trường ngày càng cao. Chính vì vậy, việc xây dựng đề an phát triển tổng thể làng nghề, với tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.

“Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp từ các sở ngành, địa phương để hoàn thiện đề cương đề án; từng bước xây dựng nội dung đề án; phấn đấu cuối tháng 7, đầu tháng 8 có thể phê duyệt được đề án để sớm triển khai trong thực tiễn…” - ông Nguyễn Đình Hoa thông tin thêm. 

 

Ngày 5/7/2024, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội. Hội nghị dự kiến có sự tham gia của khoảng 250 đại biểu từ các bộ ngành Trung ương, các sở ngành của TP, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, hứa hẹn sẽ là diễn đàn cởi mở để các đại biểu chia sẻ, cùng bàn giải pháp thúc đẩy phát triển làng nghề Hà Nội.