Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đi xe buýt, tại sao không?

Nguyễn Duy Khánh - Trường Trung cấp nghề số 10, Bộ Quốc phòng.
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù thế mạnh là sức tải lớn nhưng thời gian qua, xe buýt không phát huy được sức mạnh của mình vì chưa được ưu tiên đúng mức.

Xe buýt vẫn phải cạnh tranh với xe cá nhân để giành đường lưu thông. Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội, bởi thế cũng đang ở mức báo động. 
Ưu việt lớn... vẫn thờ ơ

Mỗi sáng ra đường đi làm, đi học tại nội đô Hà Nội đều là một thử thách rất lớn đối với người dân bởi tình trạng tắc đường trên mọi tuyến phố. Thậm chí tan tầm ban trưa cũng tắc, tuy ở mức độ nhẹ hơn chút, còn đến chiều tối, giờ tan sở từ 17 - 20 giờ thì vô cùng khủng khiếp, ào ào dòng người đổ ra đường, ai cũng xe cá nhân, người bình dân thì xe máy, người giàu thì ô tô, dường như chỉ có sinh viên, người già mới đi xe buýt.

Đặc biệt, các ngày mưa hầu hết mọi tuyến phố đều "thất thủ" do nhiều người lựa chọn lưu thông bằng ô tô cá nhân, taxi. Duy chỉ có xe buýt, loại hình vận tải công cộng có sức tải lớn nhưng lại ít người sử dụng nên thật lãng phí. Xe buýt chỉ đông vào một số giờ cũng như một số tuyến đường nhất định. Đó là giờ sinh viên đi học và tan học. Xe buýt chạy qua các cổng trường đại học, đưa hàng nghìn sinh viên đến lớp, về nhà, tiết kiệm được rất nhiều chi phí xã hội, giảm tải ùn tắc giao thông. Các tuyến đi ra ngoại thành có phần sôi động hơn khi quãng đường đi dài, người dân sử dụng xe buýt không mất nhiều thời gian chờ đợi so với thời gian đi, trong khi nhiều tuyến buýt chạy trong nội thành hiện nay còn trống rất nhiều ghế ngồi.

Khách đi xe buýt nhanh BRT trên phố Láng Hạ. Ảnh: Phạm Hùng

Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng tuyến đường sắt trên cao để hướng tới một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới. Việc vừa đảm bảo giao thông vừa xây dựng khiến cho diện tích mặt đường bị hạn chế, tình trạng tắc đường tạm thời sẽ trầm trọng hơn. Vì vậy, vai trò của xe buýt trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng, thế nhưng người dân vẫn thờ ơ với loại hình phương tiện tiện này.

Trong khi đó, theo thống kê, xe máy chiếm đến 70% số vụ tai nạn giao thông, số người thương vong thường là người trẻ, còn đối với phương tiện ô tô cá nhân tuy an toàn hơn, thuận tiện đi lại cho cả gia đình nhưng lại gây tắc đường nhiều hơn cũng như lượng khí thải thải ra môi trường khá lớn. Theo các chuyên gia, chỉ số môi trường ở Hà Nội đang ở mức báo động và dự kiến nếu không có biện pháp ngăn chặn thì sẽ ô nhiễm giống như Bắc Kinh (Trung Quốc) trong khoảng 20 năm tới vì nguồn khí thải từ các loại hình phương tiện cá nhân.

Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng cần nhận định và đánh giá đúng, đủ, khách quan nguyên nhân, trên cơ sở đó, TP Hà Nội phải đề ra được các biện pháp thích hợp đẩy mạnh giao thông công cộng, trong đó vai trò của công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, cái nhìn của người dân đối với xe buýt không thể xem nhẹ.

Cần có "lửa"trong xây dựng phong trào

Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, xe buýt hoạt động vào các giờ thấp điểm, hoặc vào ngày nghỉ lễ, Tết, đường rộng thoáng, tốc độ lưu thông còn nhanh hơn xe cá nhân. Người ta thường lầm tưởng rằng, xe buýt đi chậm hơn xe cá nhân nhưng không phải, mà là do xe cá nhân “chiếm” đường của xe buýt, lách lên vỉa hè nên mới nhanh hơn. Việc hình thành đường riêng cho xe buýt thường giống BRT là rất khó vì mặt đường ở Hà Nội khá nhỏ. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu mở rộng thêm nhiều tuyến xe buýt kết nối, xe buýt mini, school bus, nâng cấp nhà chờ để người dân tiện đi xe buýt. Hơn nữa việc thiết kế hầm, cầu đi bộ không hợp lý cũng là nguyên nhân gây ùn tắc, làm người dân ngại tiếp cận xe buýt.

Ngoài ra, việc tiếp cận xe buýt cần các hình thức khác hỗ trợ, đó là đi bộ và đi xe đạp. Tại Nhật Bản, họ thường xuyên phát động chiến dịch “đi bộ đi làm”. Để làm được như vậy, chúng ta phải giành lại vỉa hè cho người đi bộ, khuyến khích tặng thưởng xe đạp ở mọi cuộc thi, tìm hiểu về an toàn giao thông.

Hưởng ứng những gì hay, văn minh cần phải xây dựng thành phong trào, chiến dịch, dần dần từ phong trào, chiến dịch mới thành thói quen, thành nếp sống trong mỗi con người. Việc tham gia giao thông cũng vậy, đi xe buýt cũng cần và nên xây dựng thành phong trào, mà phong trào thì phải có "lửa", thu hút đông đảo các tầng lớp, đặc biệt là các tổ chức chính trị, xã hội. Nên thí điểm mỗi tháng “một ngày miễn phí đi xe buýt với toàn dân” để tạo sự hưởng ứng. Để phong trào thực sự đi vào cuộc sống, rất cần sự đi đầu làm gương của lãnh đạo của các đơn vị. Ví dụ như lãnh đạo các đơn vị quản lý Nhà nước về giao thông hãy đi làm bằng xe buýt mỗi ngày, đưa tiêu chí đi làm bằng xe buýt vào cơ quan làm tiêu chí thi đua.