Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch tả lợn châu Phi lan đến Thừa Thiên Huế, đã có 19 tỉnh thành xuất hiện dịch

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/3, theo cập nhật của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện tại cả nước có tổng cộng 19 tỉnh, thành nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Thừa Thiên Huế là địa phương mới nhất được xác định có lợn bị nhiễm dịch.

Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế mổ lấy bệnh phẩm và tiến hành tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.
Theo đó, chiều 18/3, sau khi nhận được thông tin 4 con lợn trong tổng đàn 6 con của gia đình ông Tạ Hồng Uẩn tại thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền chết do mắc bệnh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức đoàn công tác, trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo xử lý, dập kịp thời ổ dịch.
Báo cáo của UBND xã Phong Sơn cho biết, gia đình ông Tạ Hồng Uẩn có đàn lợn gồm 6 con, từ ngày 16/3 - 17/3 chết bất thường 4 con, hiện 2 con còn lại đang tiến hành tiêu hủy ngay trong chiều 18/3. Kết quả xét nghiệm từ các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Sau khi phát hiện ổ dịch tại xã Phong Sơn, Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế đã tiến hành xử lý vôi, tiêu độc khử trùng, thành lập các chốt xung quanh khu vực ổ dịch để phong tỏa người ra vào cũng như các loại gia súc, gia cầm. Đồng thời triển khai rà soát những nơi mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn để thực hiện không mua bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn.
Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện đúng cam kết 5 không gồm: Không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Hiện trên phạm vi cả nước, ngoài Thừa Thiên Huế, 18 tỉnh thành được xác định có dịch gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn và Bắc Ninh.