Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch vụ ít, phí cao - người dân chưa mặn mà “quẹt” thẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được khuyến khích đẩy mạnh với nhiều hình thức thanh toán như chi trả lương, một số loại dịch vụ qua tài khoản.

Mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ ngày càng mở rộng thông qua POS, EDC, quen gọi là máy “quẹt” thẻ. Song kết quả đạt được vẫn còn thấp.

Chưa phát huy hết tác dụng

Sử dụng thẻ ATM gần chục năm, nhưng chị Thu Hằng (một công chức đang công tác tại Hà Nội) mới dùng thẻ thanh toán chừng vài lần khi mua hàng và sử dụng dịch vụ. Theo chị, mỗi lần nhận lương đều rút tiền ra để sử dụng cho tiện. Lương mỗi tháng trên 4 triệu đồng, chỉ đủ trang trải sinh hoạt, đi chợ hàng ngày. Mà ở chợ thì chẳng có máy quẹt thẻ tính tiền. Họa hoằn lúc nào đi siêu thị thì mới có cơ hội dùng thẻ để thanh toán. “Phần cũng vì thấy phiền, nhất là dịp mua sắm cao điểm như lễ Tết, khách hàng rồng rắn xếp hàng mà phải chờ đợi mình ký tá hóa đơn, nhiều khi máy trục trặc nữa, ngại lắm” - chị Hằng nói.
Khách hàng rút tiền tại một cây ATM trên đường Thái Hà, quận Đống Đa. 	Ảnh: Thường Lệ
Khách hàng rút tiền tại một cây ATM trên đường Thái Hà, quận Đống Đa. Ảnh: Thường Lệ
Hay như anh Đình Trung (ở Lê Trọng Tấn), làm nghề thợ điện, cũng chẳng mấy khi dùng thẻ ATM để thanh toán khi mua hàng, mặc dù trong tài khoản thẻ lúc nào cũng còn số dư. Anh cho biết: Nạp thẻ chủ yếu để chuyển khoản và giữ tiền, cần thì rút ra tiêu. Nhiều lúc mua vật tư điện làm cho khách, các món nhỏ lẻ không tiện quẹt thẻ, đưa tiền mặt cho nhanh.

Thời gian qua, mặc dù số lượng tài khoản thẻ tăng đáng kể nhưng việc sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ thì chưa tăng tương xứng. Rút tiền mặt từ máy ATM để đi mua hàng hoặc mua hàng bằng tiền mặt sẵn có luôn là thói quen của đa số người dân.Theo thống kê mới nhất của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cả nước hiện có 91,23 triệu thẻ ngân hàng, tăng 13,5 % so với cuối năm ngoái. Như vậy, với dân số Việt Nam hiện 90 triệu người, mỗi người dân đã sử dụng hơn một thẻ ngân hàng.

Trên thực tế, một người có lúc sở hữu tới hàng chục cái thẻ nhưng phải đến 90% số người sử dụng thẻ ATM vẫn chỉ đơn thuần là để “rút tiền”, thậm chí có những người mở thẻ nhưng không sử dụng. Tiện ích chuyển khoản mới chỉ được thực hiện trong cùng hệ thống của từng ngân hàng. Các dịch vụ thanh toán qua thẻ như trả tiền mua hàng, tiền điện, nước, truyền hình cáp, điện thoại… ít được sử dụng.

Phí dịch vụ còn cao

Chủ trương của NHNN là khuyến khích người dân từ bỏ thói quen dùng tiền mặt. Thời gian vừa qua, các ngân hàng đã nỗ lực để phát triển khách hàng mới và tăng nhanh số lượng tài khoản/thẻ như mời chào mở thẻ tín dụng, mở chiến dịch cho vay tiêu dùng để thu hút người vay, mở thẻ. Sau khi có được các tài khoản mới, ngân hàng thường xuyên đưa ra các chương trình, hoạt động nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng tài khoản/thẻ để nhận được nhiều lợi ích khác nhau với mục đích mang các phương thức thanh toán đến “tận tay” người tiêu dùng…

Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến người sử dụng thẻ chưa mặn mà với việc chuyển từ dùng tiền mặt sang dùng các loại thẻ để thanh toán, như thu nhập của người dân còn thấp, hệ thống đường truyền vẫn còn gặp sự cố… Ngoài ra, còn do người dùng thẻ chưa hài lòng với cách thu phí của ngân hàng. Theo thống kê, một chiếc thẻ tín dụng đang phải chịu hàng chục loại phí như phí thường niên khoảng 300.000 – 500.000 đồng/năm, phí rút tiền mặt, phí chậm thanh toán, phí vượt hạn mức tín dụng, phí chuyển đổi ngoại tệ...). Thậm chí, có cửa hàng đến nay vẫn tính thêm phụ phí trên giá trị thanh toán khi khách muốn quẹt thẻ.

Chị Dung, ở Nguyễn Công Trứ kể, chị mua máy ảnh hơn 20 triệu đồng tại cửa hàng trên phố Hàng Bài, được nhân viên thông báo phải trả thêm phí 2% nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng. Quẹt thẻ ghi nợ nội địa ATM cũng mất 1%. "Nếu không thu của khách, cửa hàng sẽ phải bù khoản 2% này. Bán một chiếc máy ảnh 10 - 20 triệu đồng, có khi cũng chỉ lãi được ngần ấy" - chủ cửa hàng chia sẻ.

Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng Trương Thanh Đức, trong thanh toán qua POS, đơn vị chấp nhận thẻ phải là người trả phí dịch vụ cho ngân hàng với thanh toán thẻ quốc tế ở mức khoảng 2 - 2,5%, chứ không phải chủ thẻ. Còn mức phí dịch vụ thanh toán qua POS áp dụng cho thẻ ATM nội địa theo thông lệ là từ 0 - 1%. Mức phí này cũng không thu từ chủ thẻ mà do đơn vị chấp nhận thẻ trả, và nhiều ngân hàng hiện đã giảm phí này xuống mức 0,5% để khuyến khích không dùng tiền mặt.

NHNN cũng đã ban hành quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó quy định rõ các đơn vị chấp nhận thẻ không được phép thu các phí liên quan đến việc chấp nhận thẻ dưới bất kỳ hình thức nào. Dù không được phép và có thể bị phạt 50 triệu đồng, song nhiều cửa hàng vẫn thu phụ phí 2% nếu khách thanh toán bằng thẻ, một số nơi còn đòi mức phí 10%, một số nơi từ chối khéo với lý do "máy hỏng", "hết giấy in"... Chia sẻ thật với khách, nhiều chủ cửa hàng nói: "Thà như vậy còn hơn cho quẹt thẻ rồi phải thu phụ phí, chẳng may bị phạt lại phiền".
Để cạnh tranh số lượng thẻ phát hành, giữa các ngân hàng đã diễn ra các cuộc đua ưu đãi. Nhiều loại thẻ được phát hành miễn phí, thậm chí còn được đi kèm nhiều khuyến mãi. Tuy nhiên, hầu như những ưu đãi này chỉ kéo dài một thời gian ngắn, và khách hàng sớm hay muộn vẫn phải làm quen với việc trả phí. Sử dụng loại thẻ nào, của ngân hàng nào để tối thiểu hóa chi phí vẫn là băn khoăn của rất nhiều người sử dụng thẻ.
Đến cuối quý II/2015, cả nước có trên 16.100 ATM và gần 250.000 POS/EDC (mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS - Point of Sale) được lắp đặt. NHNN đã tập trung phát triển thanh toán thẻ qua POS theo Kế hoạch tổng thể phát triển thanh toán thẻ qua POS giai đoạn 2014 - 2015, nhất là phát triển thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS) để nâng cao số lượng, giá trị giao dịch thanh toán, đưa thanh toán qua POS trở thành thói quen của chủ thẻ. (Nguồn: NHNN)