Bộ TT&TT và Bộ KH&CN hợp tác tiếp cận Cách mạng 4.0
Ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương đã chủ trì buổi làm việc về tình hình triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0).
Theo báo cáo của Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ TT&TT đã chủ động tham mưu cho Đảng và Chính phủ từ trước khi ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg. Từ năm 2016, Bộ TT&TT đã nắm bắt trước xu thế của Cách mạng 4.0 sau khi Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra đầu năm 2016 tại Davos (Thụy Sỹ).
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ TT&TT đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Bộ TT&TT đã gửi văn bản đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ chi tiết các nội dung 3 nhóm nhiệm vụ của Bộ TT&TT trong giai đoạn 2017-2020.
Đối với nhiệm vụ 1, Bộ TT&TT đã tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh doanh công nghệ mới.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa CNTT-TT, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông chú trọng hoàn thiện mạng truyền thông di động 4G, bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định trong toàn quốc từ năm 2018, có chính sách tiếp cận, nghiên cứu và phát triển 5G, đáp ứng yêu cầu internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.
Đối với nhiệm vụ 2 về tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp CNTT-TT có vai trò then chốt trong Cách mạng 4.0, ưu tiên chú trọng phát triển nhân lực CNTT, đặc biệt là nhân lực về an toàn, an ninh thông tin.
Đối với nhiệm vụ tuyên truyền, Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, định hướng dư luận và có nhận thức đúng đắn về Cách mạng 4.0.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra kiến nghị đối với Bộ Khoa học và Công nghệ về ưu tiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực CNTT-TT có vai trò then chốt trong Cách mạng 4.0 như công nghệ viễn thông băng rộng, trí tuệ nhân tạo, IoT, phân tích dữ liệu và dữ liệu lớn. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và xây dựng Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trọng điểm về trí tuệ nhân tạo sẵn sàng cho Cách mạng 4.0” trình Thủ tướng.
Hơn 7.000 thiết bị mạng dính lỗ hổng bảo mật Dnsmasp
Theo Công ty Bkav hôm 3/10, thống kê có 7 lỗ hổng vừa được phát hiện trong phần mềm dịch vụ mạng Dnsmasq, được sử dụng trên nhiều loại router, điện thoại thông minh, thiết bị IoT chạy trên nền Linux.
Theo công cụ tìm kiếm Shodan, có trên 1,1 triệu thiết bị sử dụng Dnsmasp trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, số lượng bị ảnh hưởng là hơn 7.000 thiết bị gồm router, IP camera… do các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel, FPT… cung cấp.
Các chuyên gia của Bkav cũng cho hay, VNPT có số lượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là do router Huawei và iGate của nhà mạng này đều sử dụng phần mềm Dnsmasp; tiếp đó là Viettel và FPT.
Được biết, lỗ hổng nguy hiểm nhất là CVE-2017-14491 cho phép hacker thực thi mã từ xa, ảnh hưởng đến các hệ thống có kết nối Internet lẫn các mạng nội bộ.
Một lỗi thực thi mã từ xa đáng chú ý khác là CVE-2017-14493. Các chuyên gia lưu ý rằng lỗ hổng này có thể được kết hợp với lỗi gây lộ lọt thông tin CVE-2017-14494 để vượt qua ASLR và thực thi mã tùy ý.
Lỗi gây tấn công DoS CVE-2017-14496 ảnh hưởng đến Android, có thể bị khai thác bởi một kẻ tấn công nội bộ hoặc một người có kết nối trực tiếp với thiết bị. Tuy nhiên, Google chỉ ra rằng nguy cơ này khá thấp vì dịch vụ bị ảnh hưởng đã được sandbox.
Chuyên gia Bkav khuyến cáo các nhà mạng nên cập nhật phần mềm Dnsmasp lên phiên bản 2.78 mới phát hành đã khắc phục các lỗ hổng.
Cục hàng không sẽ thanh tra công tác bảo mật thông tin hành khách
Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có thông tin phản hồi về tình trạng thông tin cá nhân của hành khách đi lại bằng đường hàng không bị lộ trong thời gian vừa qua.
Cục Hàng không cho hay, thông tin hành khách trong hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không bao gồm các nội dung như: Tên hành khách, giới tính, lịch bay (hành trình, số hiệu chuyến bay, giờ cất cánh, hạ cánh dự kiến), số điện thoại liên lạc của hành khách.
Do tính chất đặc thù của khai thác vận tải hàng không, các hãng hàng không, các đại lý bán vé cần số điện thoại của hành khách để liên lạc trong trường hợp có sự thay đổi về lịch bay, hoặc cần sự hợp tác của hành khách trong quá trình thực hiện chuyến bay (thực hiện yêu cầu về an ninh hàng không trước chuyến bay, thông tin về hành lý vận chuyển chậm, thất lạc …) giúp hành khách chủ động, thuận lợi trong việc đi lại của mình.
Hiện tượng lộ thông tin hành khách đi tàu bay bắt đầu xuất hiện từ năm 2013 và tiếp tục diễn biến ở các năm 2014, 2015 khi các hành khách bay đến các Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cam Ranh và Nội Bài nhận được các tin nhắn chào mời sử dụng dịch vụ taxi. Các hãng hàng không đã tiến hành rà soát hệ thống đặt giữ chỗ của mình để xác minh nguyên nhân.
Kết quả cho thấy, việc lộ thông tin là do một số nhân viên của các hãng hàng không, các đại lý bán vé máy bay cung cấp thông tin hành khách cho các hãng taxi, các khách sạn chào mời hành khách sử dụng dịch vụ qua số điện thoại liên lạc.
Các hãng hàng không đã đề nghị phối hợp từ cơ quan công an để điều tra, xác minh. Bước đầu đã phát hiện, xử lý bằng hình thức cho thôi việc một số nhân viên, cắt hợp đồng đại lý bán vé máy bay về hành vi vi phạm liên quan.
Cục HK Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không rà soát các quy trình, quy định nhập, lưu trữ, bảo mật thông tin cá nhân của hành khách, các đầu mối truy cập được thông tin cá nhân của hành khách và công tác giám sát bảo mật thông tin cá nhân của hành khách và báo cáo kết quả rà soát về Cục HKVN.
Cục HKVN có kế hoạch thanh tra công tác bảo mật thông tin hành khách đi tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 10 này và kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cấp an toàn thông tin mạng cho các hãng hàng không Việt Nam đối với hệ thống đặt chỗ, bán vé để làm cơ sở triển khai các biện pháp phù hợp với pháp luật.
Vietnamobile dự kiến thử nghiệm chuyển mạng giữ số vào tháng 11
Đại diện Vietnamobile ngày 4/10 cho biết, do có sự hiểu lầm nên rất nhiều báo trích dẫn lại thông tin Vietnamobile chậm triển khai chuyển mạng giữ số từ 1-2 tháng so với 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone.
Đại diện Vietnamobile khẳng định, nhà mạng này đã chuẩn bị các phương án kỹ thuật và có thể tham gia chuyển mạng giữ nguyên số từ 1/1/2018 theo đúng lộ trình mà Bộ TT&TT đưa ra. Quá trình thử nghiệm của Vietnamobile sẽ diễn ra vào tháng 11/2017.Như vậy, đến thời điểm này cả 4 mạng là Vietnamobile, Viettel, MobiFone, VinaPhone đã tuyên bố sẵn sàng đổi mạng giữ nguyên số từ 1/1/2018. Hiện chỉ còn duy nhất Gtel chưa chính thức lên tiếng về vấn đề này.Cục Viễn thông đang phối hợp với các nhà mạng lên kế hoạch chi tiết cho việc thử tải thật đối với chuyển mạng giữ nguyên số. Dự kiến, ngày 15/12/2017 sẽ thử tải, tức là nửa tháng trước khi bắt đầu triển khai chính thức từ đầu năm 2018.