Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Công bố chất lượng mạng 4G tại Hà Nội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công bố kết quả chất lượng mạng 4G tại Hà Nội, đã sửa xong cáp quang biển quốc tế AAG, Vietnamobile nhập cuộc chuyển mạng giữ số... là điểm nhấn chú ý tuần qua.

Công bố kết quả chất lượng mạng 4G tại Hà Nội
 
Theo Bộ TT&TT, kết quả đo kiểm của cơ quan quản lý viễn thông cho thấy đối với MobiFone, trong thời gian đo kiểm từ ngày 19/7 đến 26/7 tại Hà Nội có tốc độ tải xuống, tải lên trung bình của nhà mạng này tương ứng với 36,91Mbit/s và 19,28 Mbit/s. Tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi là 0,74%, độ sẵn sàng của mạng vô tuyến là 99,98%...
Kết quả đo kiểm 4G của Viettel tại Hà Nội với thời gian đo kiểm từ ngày 8/6/2017 đến 16/6/2017, cụ thể: Tốc độ tải dữ liệu xuống trung bình của mạng Viettel là 34,90Mbit/s và tốc độ tải dữ liệu lên trung bình của Viettel là 16,88Mbit/s. Chỉ số, thời gian trễ truy nhập dịch vụ 4G trung bình theo tiêu chuẩn phải dưới 5 giây thì chỉ số này của Viettel là 1,83 giây.
Hai chỉ số độ sẵn sàng và tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ mạng 4G của Viettel đạt 100% trong khi đó Bộ TT&TT yêu cầu là từ 95% trở lên.
Theo Cục Viễn thông, việc đo kiểm chất lượng 4G của các mạng được dựa trên 5 chỉ tiêu là: Độ sẵn sàng của mạng vô tuyến; tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ; thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình; tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi và tốc độ tải dữ liệu (tốc độ tải lên/tải xuống và tỷ lệ % số mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tải dữ liệu hướng xuống tối thiểu trong vùng lõi).
Trước đó, Bộ TT&TT cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Viễn thông có kế hoạch đánh giá chất lượng 4G của các nhà mạng để công bố với khách hàng. Như vậy, các nhà mạng phải bảo đảm chất lượng 4G cung cấp cho người dùng.
Để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng cam kết trong giấy phép về lộ trình phủ sóng cũng như chất lượng trong vùng phủ sóng.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo Cục Viễn thông có kế hoạch đánh giá chất lượng 4G của các nhà mạng để công bố với khách hàng nhằm bảo đảm đúng cam kết đưa ra. Cục Viễn thông sẽ thực hiện đo kiểm định kỳ và đo kiểm đột xuất khi có phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ 4G.
Đã sửa xong cáp quang biển quốc tế AAG
 
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chiều 28/9 cho biết, sự cố trên tuyến cáp quang AAG đã được xử lý xong, 100% dung lượng đường truyền đã được khôi phục.
Trước đó, theo VNPT vào lúc 10h00 ngày 26/09 đối tác quốc tế đã xử lý được điểm lỗi trên phân đoạn S2 đồng thời khôi phục được 60G còn lại trên tuyến cáp AAG đi Mỹ. Đến thời điểm hiện tại đã khôi phục được toàn bộ dung lượng trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG.
Như vậy việc sửa chữa tuyến cáp này đã hoàn thành trước kế hoạch 3 ngày so với thông báo trước đây của đơn vị điều hành.
Với tuyến cáp biển IA, theo thông tin trước đây, việc sửa chữa dự kiến đã bắt đầu từ ngày 26/9 và có thẻ sẽ hoàn thành vào ngày 30/9. Nếu việc sửa chữa tuyến cáp IA hoàn thành đúng kế hoạch, toàn bộ lưu lượng Internet đi quốc tế của Việt Nam sẽ được khôi phục ngay trong những ngày đầu tháng 10.
Trước đó, cùng lúc 3 cáp quang biển nối internet từ Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố vào ngày 27/8, khiến cho lưu lượng truyền tải internet đi quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vị trí đứt cáo quang biển IA cách trạm cập bờ Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 54km. Đối với cáp quang biển AAG, bị đứt ở 2 đoạn, cách trạm cập bờ Hong Kong khoảng 65km và 85km.
Theo thống kê, cả 2 tuyến cáp Liên Á và AAG đều đã nhiều lần gặp sự cố. Trong năm nay, tuyến cáp Liên Á đã 4 lần xảy ra sự cố, lần lượt vào các ngày 10/1, 11/1, 4/3 và 27/8. Ba lần gặp sự cố của tuyến cáp AAG trong năm 2017 lần lượt xảy ra vào các ngày 8/1, 18/2 và 27/8.
Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Vietnamobile nhập cuộc chuyển mạng giữ số
 
Ngày 24/9, đại diện của Vietnamobile cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia chính sách chuyển mạng giữ nguyên số cùng 3 nhà mạng là Viettel, MobiFone và VinaPhone từ ngày 1/1/2018 theo đúng yêu cầu của Bộ TT&TT. Thông tin được đưa ra sau khi có nguồn tin cho hay Vietnamobile và Gtel sẽ lùi thời gian áp dụng chính sách này của Bộ TT&TT.
“Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án kỹ thuật và có thể nhập cuộc chuyển mạng giữ nguyên số cùng 3 nhà mạng là Viettel, MobiFone và VinaPhone từ ngày 1/1/2018 theo đúng yêu cầu của Bộ TT&TT đưa ra. Nếu quá trình thử nghiệm thuận lợi thì Vietnamobile sẽ áp dụng cùng các nhà mạng ngay tại mốc thời gian này. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm có thể chúng tôi sẽ triển khai chậm hơn từ 1 đến 1,5 tháng sau mốc thời gian này”, đại diện Vietnamobile chia sẻ.
Trước đó, ngày 21/9 Viettel đã thử nghiệm kỹ thuật chuyển mạng giữ nguyên số với VinaPhone, MobiFone. Trong khi đó, lộ trình thử nghiệm của các nhà mạng VinaPhone và MobiFone vẫn chưa được công bố chính thức.
Theo kế hoạch của Bộ TT&TT đưa ra, các nhà mạng sẽ phải triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portability) từ ngày 31/12/2017.

Đây được xem là một trong những công tác trọng tâm trong 6 tháng cuối năm của Bộ TT&TT bên cạnh các công tác, tăng cường biện pháp thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên thị trường. Hoàn thành việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định…
Các chuyên gia cho rằng, nhiều nước trên thế giới triển khai chính sách cho khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số từ lâu. Đã đến lúc Việt Nam phải thực thi để đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Cục Viễn thông cho biết, dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số là dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất cung cấp cho thuê bao di động của mình, dịch vụ này cho phép thuê bao di động có thể chuyển đổi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất mà vẫn giữ nguyên được số điện thoại của mình bao gồm cả mã mạng và số thuê bao. Nghĩa là, việc người sử dụng vẫn thực hiện quay số bình thường không cần có bất kỳ sự thay đổi nào trong việc quay số đến thuê bao đã chuyển mạng.
Người Việt thanh toán bằng thẻ ngày càng nhiều
 
Công ty công nghệ thanh toán toàn cầu Visa vừa công bố dữ liệu cho thấy thanh toán điện tử tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. Tính đến cuối tháng 6 năm 2017, tỉ lệ giao dịch thanh toán điện tử đã tăng 38% so với cùng kì năm ngoái.
Số liệu cho thấy giao dịch qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của Visa tăng lần lượt là 49% và 34%. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch tăng 35%. Ngày càng nhiều người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, khi giao dịch thương mai điện tử của Visa tăng đến 82% về số lượng và 45% về giá trị giao dịch.
Từ việc thanh toán tại các siêu thị, trên xe taxi, cửa hàng tiện lợi,... người dùng Việt đã tự tin hơn khi dùng thẻ thanh toán, Giám đốc Visa cho biết. Sự tiện lợi của thanh toán online, thanh toán qua di động, sự phổ dụng của Uber và Grab cũng là các yếu tố thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong khảo sát của Visa trên 750 người trên 18 tuổi tại Việt Nam, cho thấy 9 trên 10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng họ rất có thể sẽ sử dụng smartphone để thanh toán. Việc này chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam thể hiện thái độ cởi mở với các phương thức thanh toán mới.
Bên cạnh đó, một kết quả khảo sát khác của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tiếp tục cho thấy xu hướng “quay lưng” với tiền mặt. 83% người tiêu dùng Việt cho biết họ sẽ chọn thanh toán không tiếp xúc (nếu có) thay cho tiền mặt.
Việt Nam có kế hoạch chuyển đổi đa số giao dịch hiện nay thành giao dịch điện tử trước năm 2020, với mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng lượng giao dịch ở mức 10%.