Hơn 90% diện tích lúa sử dụng giống mới
Thống kê của Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho thấy, vụ Xuân 2024, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn huyện là 9.379ha, đạt gần 105,2% so với mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu vụ (8.920ha). Việc ứng dụng cơ giới hoá được huyện Sóc Sơn chú trọng chỉ đạo triển khai, đạt nhiều kết quả tiến bộ.
Diện tích cơ giới hoá trong làm đất lúa toàn huyện đạt trên 98,85%. Diện tích cấy máy đạt 51,5ha; trong khi diện tích gieo sạ là gần 301ha. Bắc Phú, Xuân Giang, Tiên Dược, Tân Dân là những địa phương có diện tích cấy máy và gieo sạ đạt cao.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, diện tích cấy tay trong vụ Xuân 2024 vẫn chiếm chủ yếu, song kỹ thuật của người nông dân đã có nhiều tiến bộ. Trong đó, bà con tập trung vào cấy cải tiến theo phương pháp SRI (cấy nông tay, nhỏ dảnh, xúc mạ để cấy, tuổi mạ tập trung từ 2,5 - 3 lá).
Đáng chú ý, cơ cấu giống lúa sử dụng trong vụ Xuân năm nay tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Diện tích lúa chất lượng, lúa tiến bộ đạt khoảng 8.466,5ha, chiếm gần 90,3% tổng diện tích gieo cấy toàn vụ. Trong vụ mùa này, diện tích cấy lúa giống Khang Dân cũng giảm chỉ còn 9,73%, vượt chỉ tiêu giảm còn 12 - 14% theo kế hoạch.
Cùng với hướng dẫn bà con sử dụng giống mới vào sản xuất, trong vụ Xuân 2024, huyện cũng đã triển khai hỗ trợ nông dân hơn 1.885ha các giống lúa năng suất, chất lượng cao như TBR225, HD11. Đồng thời, phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai chương trình phát triển giống lúa mới HD11 theo tiêu chuẩn xuất khẩu trên quy mô 60ha.
Nâng cao chất lượng lúa hàng hoá
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Bùi Thị Loan, dự báo thời gian từ nay đến khi kết thúc vụ Xuân, nhiệt độ sẽ tăng dần, tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa phát triển. Đáng lo ngại nhất hiện nay là các bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu cuốn lá, sâu đục thân và rầy nâu vào cuối vụ.
Trên cơ sở dự tính dự báo, hiện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn đang phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến thời tiết; đồng thời dự báo xu hướng phát triển sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Cùng với làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, đối với những diện tích lúa đã chín trên 85%, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà đề nghị UBND các xã chủ động hướng dẫn nông dân thu hoạch sớm để triển khai sản xuất vụ Mùa kịp thời. Từ đó cũng hạn chế thiệt hại do thiên tai có thể gây ra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn nhìn nhận, thực tế tỷ lệ cơ giới hoá trong gieo cấy lúa hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn thấp do hạn chế ở khâu làm mạ tập trung. Đây là vấn đề chính quyền địa phương đang tập trung phối hợp và cũng mong muốn Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ.
Trong những vụ tới, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân tăng cường sử dụng giống lúa mới chất lượng, lúa tiến bộ vào canh tác. Đồng thời, tiếp tục xây dựng những chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng diện tích lúa hàng hoá hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, vụ Xuân 2024, toàn TP gieo cấy khoảng 81.000ha lúa, vượt so với chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ giống lúa chất lượng cao được đưa vào canh tác chiếm khoảng 65%.