Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm sáng khuyến học ở xã nghèo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng 30km, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) được biết đến như là một trong những điển hình của thành phố trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Dù hầu hết người dân nơi đây còn rất vất vả với nghề nông, nhưng ai nấy đều cố gắng chăm lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Những tấm gương hiếu học

Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà Đặng Văn Hùng ở thôn 1, xã Quảng Bị đúng lúc cậu đang chăm sóc những luống rau xanh. Mồ côi cha từ năm lên 6 tuổi nhưng Hùng vẫn được đến trường nhờ sự tần tảo sớm hôm của mẹ là bà Đặng Thị Bốn. Đến khi lên cấp 2, bạn bè, thầy cô ai nấy đều tò mò vì hàng ngày đến trường, Hùng thường mang theo một chiếc bao tải để ở góc lớp, và luôn về muộn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Mãi về sau mọi người mới vỡ lẽ, cứ sau mỗi giờ lên lớp, Hùng lại cởi bỏ bộ đồng phục, gói gém cẩn thận để khỏi bị bẩn, thay bộ đồ lao động sờn cũ rồi xách bao tải rong ruổi khắp những con đường, khu dân cư, phố chợ,… nhặt nhạnh "đồ thừa của thiên hạ", lấy tiền phụ giúp mẹ.

Điểm sáng khuyến học ở xã nghèo - Ảnh 1

Giáo dục mầm non ở xã Quảng Bị luôn được quan tâm

Năm Hùng lên lớp 10, thị lực của mẹ em giảm sút nhanh chóng. Tới Viện mắt T.Ư, nghe bác sĩ nói, nếu không phẫu thuật sớm, mẹ Hùng có thể sẽ bị mù mà nước mắt chàng trai mồ côi cứ chảy dài. Mẹ Hùng vì thương con nên kiên quyết dành số tiền vài triệu đồng dành dụm được để lo cho cậu học xong cấp 3 chứ nhất định không chịu phẫu thuật. Hùng nghẹn ngào, thuyết phục mẹ cả tháng trời rồi lấy toàn bộ số tiền tích góp được từ việc nhặt rác trong nhiều năm, khoảng 10 triệu đồng để phẫu thuật cho mẹ. Tuy nhiên, những cố gắng đó đã không có hiệu quả. Thị lực của mẹ Hùng vẫn ngày một suy giảm. Sau một thời gian, bà Bốn chỉ còn có thể nhìn lờ mờ bằng một mắt; mắt còn lại đã vĩnh viễn không nhìn thấy.

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Hùng luôn cố gắng để học thật tốt với thành tích nhiều năm liền là học sinh giỏi. Năm 2004, Hùng thi đậu trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, học xong một năm, cậu quyết định thi lại vì nhận thấy bản thân không hợp với ngành kỹ thuật, và tiếp tục đỗ vào trường ĐH Ngoại thương. Hiện tại, Hùng đang làm việc cho một công ty về thiết bị xây dựng trên đường Phạm Hùng (Hà Nội). Một tuần vài buổi, cậu trở về quê, thăm mẹ, đồng thời tranh thủ mở lớp học miễn phí cho các em học sinh nghèo trong xóm. 

So với Đặng Văn Hùng, đường đời của Trịnh Trọng Kiên có lẽ bằng phẳng hơn đôi chút. Sinh ra trong một gia đình thuần nông và đông anh chị em, Kiên được "ưu tiên" đi học, trong khi các anh chị khác phải lao động kiếm tiền từ khá sớm. Bố Kiên - ông Trịnh Trọng Tuyền, ngoài làm ruộng, hàng ngày chở phân NPK tới bán rong tại các khu chợ gần nhà để kiếm thêm thu nhập.

Điểm sáng khuyến học ở xã nghèo - Ảnh 2

Khuyến học cần sự chung tay của cả cộng đồng. Trong ảnh: Sinh viên tình nguyện dạy chữ cho trẻ em nghèo. Ảnh Tùng Nguyễn

Thương bố mẹ, anh chị vất vả nên Kiên quyết tâm tu chí học hành. Anh thi đỗ, theo học và tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội; sau đó tiếp tục nhận được học bổng của hai trường ĐH tại Mỹ. Sau khi lấy bằng tiến sĩ, Kiên ở lại giảng dạy tại ĐH bang Florida. Dù mức học bổng được cấp đủ để anh trang trải mọi chi phí sinh hoạt, học tập tại Mỹ nhưng trong suốt quá trình theo học tại đây, Kiên vẫn xin đi trợ giảng cho các giáo sư để kiếm thêm tiền gửi về phụ giúp cha mẹ. Anh tâm sự: "Ở nước ngoài đúng là có kiếm được nhiều tiền hơn thật, nhưng xa gia đình lâu ngày, nhiều lúc cũng buồn, cũng tủi lắm. Không đâu bằng đất nước, quê hương mình…".

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều gương hiếu học điển hình ở xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Thành tích học tập ấn tượng của các em được hình thành và nuôi dưỡng từ quyết tâm, nghị lực vượt khó cũng như hiệu ứng tích cực từ phong trào khuyến học, khuyến tài được tổ chức trong nhiều năm qua tại địa phương này. 

 Thành công nhờ sự đồng thuận

Xã Quảng Bị hiện là nơi có khoảng 3.000 hộ dân với 39 dòng họ cùng sinh sống. Người dân nơi đây ngoài công việc đồng áng với thu nhập mà như nhiều người thường chép miệng mà rằng "chẳng đáng là bao…", thì đều phải chịu khó chợ búa sớm hôm. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng hầu hết các gia đình đều nhận thức được rằng, muốn thoát nghèo không gì hiệu quả bằng đầu tư cho việc nuôi con chữ.

Điểm sáng khuyến học ở xã nghèo - Ảnh 3

Đặng Văn Hùng thường tranh thủ về nhà giúp mẹ

Trong số 39 dòng họ hiện đang sinh sống tại xã Quảng Bị, dòng họ Trịnh được xem là đi đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương. Trò chuyện cùng ông Trịnh Mạnh, nay đã gần 80 tuổi, là giáo viên nghỉ hưu, chúng tôi được biết, hầu hết các dòng họ tại xã Quảng Bị đều đã xây dựng Quỹ khuyến học riêng nhằm khuyến khích con em trong đại gia đình tu chí học hành. Nhờ có phong trào này, hầu hết các em đều cố gắng phấn đấu học tập; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng nhanh qua các năm.

Phong trào khuyến học, khuyến tài của dòng họ Trịnh đã được xây dựng từ năm 2000, do những người trong họ mà ban đầu là những cán bộ hưu trí như ông Trịnh Mạnh, Trịnh Trọng Thưởng, Trịnh Đoàn,… đứng ra kêu gọi thành lập. Những năm đầu quỹ hội chỉ vẻn vẹn chưa đầy 2 triệu đồng. Sau đó, phong trào đóng góp, xây dựng quỹ được phát động xuống tận chi họ để mỗi gia đình tự nguyện ủng hộ. Người khá giả đóng góp nhiều, gia đình khó khăn thì đóng góp ít hơn. Số tiền thu được ngoài việc hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi việc học còn được sử dụng để cho các hộ nghèo trong họ có nhu cầu vay phát triển sản xuất. Đến nay, Quỹ khuyến học dòng họ Trịnh luôn ổn định ở mức trên 15 triệu đồng.

Bên cạnh việc kêu gọi sự đóng góp từ trong nhân dân, Quỹ Khuyến học của các dòng họ còn nhận được sự tài trợ của các mạnh thường quân, vốn là những người con sinh ra, lớn lên tại mảnh đất này đã thành danh, nay quay trở về góp sức cho quê hương.

Hàng năm, cứ vào mùng 4 Tết Nguyên đán, Ban khuyến học của các dòng họ lại tổ chức phát thưởng cho các cháu đạt thành tích học tập xuất sắc. Phần thưởng có thể chưa nhiều, chỉ dăm ba trăm ngàn nhưng lại là sự động viên lớn đối với các em học sinh. Điển hình như dòng họ Trịnh, đến nay đã phát thưởng cho gần 500 em, trong đó có gần 100 em đỗ vào các trường ĐH, 25 em là học sinh giỏi cấp tỉnh, 1 em đạt loại giỏi cấp quốc gia.

Ông Trịnh Đình Dần, Chi hội trưởng dòng họ Trịnh, năm nay đã 75 tuổi chia sẻ: "Bên cạnh việc trao tặng quà nhằm khuyến khích, động viên các em, chúng tôi cũng giới thiệu tới các gia đình khó khăn, giúp họ tiếp cận với những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế để hỗ trợ các cháu trong quá trình đi học và ra trường có nơi làm việc. Nhờ hoạt động này mà con em các dòng họ thi đua học tập, có nhà 3 - 4 cháu đều là học sinh giỏi...".

Nhiều dòng họ khác trong xã như họ Bùi, họ Tạ, họ Đặng, họ Nguyễn Đức,… cũng học tập làm theo mô hình và cách làm của dòng họ Trịnh, đồng thời kết hợp với nhà trường, Hội khuyến học xã Quảng Bị, thúc đẩy phong trào học tập của địa phương. Thành tích đó đã được Mặt trận Tổ quốc huyện Chương Mỹ ghi nhận. Đặc biệt cuối năm 2012, xã Quảng Bị đã được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì những nỗ lực trong phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài.

Thành công từ hoạt động khuyến học ở xã Quảng Bị là mô hình tốt để các địa phương khác, không chỉ ở huyện Chương Mỹ mà toàn TP Hà Nội có thể làm theo, đặc biệt là tại những nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, để hoạt động khuyến học thực sự phát huy hiệu quả, rất cần có những con người tâm huyết, sự chung tay giúp sức của các cấp ban, ngành đoàn thể, sự quan tâm của các tổ chức xã hội. Và quan trọng nhất là sự đồng thuận, ủng hộ của tất cả người dân tại địa phương.