KTĐT - Ngày 8/11, điện ảnh Pháp mừng Alain Delon tròn 75 tuổi. Ở tuổi 75, Alain Delon trở thành một tượng đài không thể thiếu của điện ảnh châu Âu, một vẻ đẹp mà điện ảnh Pháp rất khó tìm được một người thứ hai.
Chẳng thế mà ngày 4/12 tới, nước Pháp trao cho Alain Delon quyền chỉ huy toàn bộ cuộc thi hoa hậu Pháp bởi đơn giản "Alain Delon là đại diện cho sự tao nhã của nước Pháp."
Sự tao nhã của người Pháp là một hương thơm lan tỏa khắp nơi và nó đọng lại rõ nhất nơi Alain Delon, một gã diễn viên có đủ mọi trạng thái cảm xúc cuốn hút những quý bà, quý cô. Từ những người giàu có ở thủ đô Paris tráng lệ đến cả những tiểu thương buôn bán ở phiên chợ Jakarta.
Những lần phim ông ra mắt luôn là những ngày hội rực rỡ. Và những ngày hội ấy ngày càng hiếm dần khi Alain Delon dường như rút lui hoàn toàn vào sau màn ảnh.
Hãy để ông được trở lại trong vai trò Chủ tịch cuộc thi hoa hậu “bởi tôi là một người yêu quý phụ nữ và ngưỡng mộ sắc đẹp phụ nữ qua từng thời đại, tôi không thể mơ đến sự hiện diện của mình trong một bối cảnh nào hoành tráng hơn thế”.
Từ chàng lính thành minh tinh
Cậu bé Alain Delon sinh tại Sceaux vào năm 1935 trong một gia đình bình dân. Tuổi thơ ông đã phải chứng kiến bố mẹ ly dị, mẹ ông tái hôn với với một ông hàng thịt nguội và Alain Delon "bị" học một khóa kiến thức chuyên môn về… thịt nguội để giúp đỡ việc kinh doanh của cha dượng.
Tính nổi loạn, vô kỷ luật khiến cậu học trò Alain Delon bị đuổi khỏi trường đến... 6 lần và cậu đã phải làm đủ nghề sinh sống rồi nhập ngũ và tham chiến tại Đông Dương (phục vụ tại xưởng đóng tàu Sài Gòn và sau đó là mặt trận Điện Biên Phủ).
Sau 1954, trở về Pháp, Alain Delon nhờ sự tình cờ và cả duyên phận khi tham gia câu lạc bộ điện ảnh tại Saint Germain des Prés và rồi gặp Jean-Claude Brialy, diễn viên huyền thoại. Thấy anh chàng điển trai, hơi chút ngược ngạo và có ngoại hình "như cuốn lấy mọi ánh mắt," Jean-Claude Brialy chỉ nói với Alain Delon một câu rằng "thế giới điện ảnh đang chờ cậu đấy."
Alain Delon bước vào môi trường điện ảnh mà không qua khóa đào tạo diễn xuất nào. Sau một vài vai phụ và thứ, ông nhanh chóng tỏa sáng sau những thành công vang dội trong các phim "Quand la femme s’en mêle" (đạo diễn Yves Allégret), "Plein Soleil" (đạo diễn René Clément), "Rocco et ses frères" (đạo diễn Visconti).
Người thuyết phục Alain Delon ở lại Pháp là đạo diễn Yves Allégret bởi nếu không ông đã sang Mỹ đóng phim theo hợp đồng bảy năm với đạo diễn David O. Selznick.
Nước Pháp những năm 60 bắt đầu những trào lưu mới, Alain Delon quyết định ở lại để tìm một sự nghiệp lớn. Điều đó chỉ bắt đầu khi ông nhìn thấy Luchino Visconti.
Chính đạo diễn Luchino Visconti là người đã đưa Alain Delon tới một tầm mức cao nhất trong làng điện ảnh. Visconti đã đặc biệt chú ý đến diễn xuất của Alain Delon trong phim "Plein Soleil" và nghĩ ngay đến một nhân vật cho riêng mình: "Khi tôi xem Alain, thì tôi đã thấy hình ảnh của nhân vật Rocco rồi, tôi thấy một ngôi sao mới vụt lên từ bầu trời nước Pháp mà không phải từ Hollywood."
Đối với Alain Delon, Visconti là một người thầy, một người anh và một người bạn dẫn dắt cuộc đời ông qua những bước thăng trầm của điện ảnh.
Điện ảnh Pháp và châu Âu của những năm 60, 70 thế kỷ trước luôn là một đế chế hùng mạnh, những con người hùng mạnh và những bộ phim luôn sống cùng thời gian, Alain Delon luôn góp phần mình trong ấy.
Đến giờ nhiều người vẫn còn nhớ như in gã thảo khấu Gauche trong "Mặt trời đỏ" ("Soleil rouge") với khuôn mặt lạnh như tiền cùng ánh mắt lừa tình. Khó ai có thể quên gã trộm nữ trang khát máu Roger Sartet trong "Băng đảng Sicile" ("Le Clan des Siciliens")…
Ngoại hình hấp dẫn, ma lực trong ánh mắt và một con người dào dạt tình cảm, tất cả đã giúp tạo nên một Alain Delon của nhiều thể loại phim khác nhau. Giới chuyên môn đánh giá rằng, chính Alain Delon đã tạo nên Alain Delon!
Alain Delon là hiện thân của một trong những ngôi sao thật sự của điện ảnh Pháp, trong cái nghĩa từ mang đậm "tính Hollywood" nhất. Và người ta cũng cho rằng, Alain Delon là một nhân vật đã tỏa sáng khi còn rất trẻ và về già ông vẫn tỏa ra thứ hấp lực như những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời.
Người ta còn nói ánh hào quang của các ngôi sao điện ảnh, như Alain Delon, có một cái gì rất giống với những ngôi sao trên bầu trời mà chúng ta trông thấy mỗi đêm, đó là ánh sáng lung linh đã hắt lại rất lâu từ quá khứ.
Bốn đời vợ vẫn độc thân quý tộc
Alain Delon là một ngôi sao. Trong cuộc đời mình, ngôi sao này đã đạt đến tuyệt đỉnh vinh quang từ điện ảnh cho đến những người phụ nữ. Bốn người phụ nữ chính thức đi qua cuộc đời ông và rất nhiều nhân tình, để lại trong Alain Deon nhiều cảm xúc. "Cô đơn bây giờ là một người bạn tốt của tôi," Alain Delon bày tỏ.
Năm 1958, Alain Delon gặp Romy Shneider khi làm phim "Christine," cả hai đã trúng tiếng sét ái tình, họ đính hôn ngày 22/3/1959 làm tốn hao biết bao giấy mực của báo chí và chấn động thế giới.
Cả hai tượng trưng cho sắc đẹp, tuổi thanh xuân và thành công, họ trở thành bộ đôi nổi đình đám nhất trong làng văn nghệ.
Năm 1964, Alain Delon chia tay với Romy Schneider (người mà Alain tôn thờ và mới đây thổ lộ rằng ông chỉ mong được một lần gặp lại Romy) và cưới diễn viên Nathalie Canovas.
Đến 1968, khi đóng chung bộ phim "Jeff," Alain Delon yêu Mireille Darc và sau đó ông ly dị Nathalie sau 4 năm chung sống. Cuộc hôn nhân mới kéo dài được 15 năm, đến 1982 Alain Delon ly dị Mireille Darc.
Năm 1987, Delon gặp Rosalie Van Breemen, một người mẫu Hà Lan khi quay clip ca nhạc "Comme au cinéma" và cả hai kết hôn. Tháng 10/2002 cả hai ra tòa ly dị, đây là thời điểm mà Alain Delon buồn bã nhất, ông rơi vào trạng thái trầm cảm và nhiều lần tuyên bố mình không thiết sống.
Bên cạnh đó Alain Delon còn có rất nhiều người tình mà ông gọi họ là "những người nuôi tôi lớn." Ông có con riêng với ca sỹ Nico, có những cuộc tình với Dalida, Anita Ekberg, Brigitte Bardot, Jane Fonda… Và tất cũng đều là bạn bè tốt của nhau sau những mối quan hệ, ai cũng tôn trọng Delon và xem ông là gã đàn ông lịch lãm nhất trên đời.
Ngoài tình yêu, Alain Delon còn là một con người của đam mê khi là một nhà sưu tập nghệ thuật, và làm chủ các chuồng ngựa đua đã từng giành nhiều giải trong các lần đua ngựa tại Pháp.
Và ông cũng đã làm một ca sỹ (đừng nói bạn chưa từng nghe bài "Paroles, paroles" mà ông song ca cùng Dalida), hát khá hay bài "Thought I’d Ring you" (song ca với Shirley Bassey) hoặc "I don’t know" (với Phyllis Nelson), và cả một "Comme au cinéma" (với không ai cả bởi Alain Delon một mình thôi thì cũng quá đủ rồi)./.