Lượng ít, chất yếu
Đại diện Cục Điện ảnh cho biết, trước năm 2007, mỗi năm Cục đều gửi số lượng lớn phim Việt đi dự thi, chiếu tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế và khu vực. Sau năm 2007, lượng phim Nhà nước tham dự LHP quốc tế có giảm, nhưng phim của hãng tư nhân tham dự LHP lại tăng. Nhờ đó, phim Việt Nam đã có mặt và đoạt nhiều giải thưởng danh giá tại các LHP quốc tế như: Dubai, Chile, Ai Cập, Iran, Busan, Brazil, Tây Ban Nha, Stockholm (Thụy Điển)... Bên cạnh đó, điện ảnh luôn là lựa chọn hàng đầu trong những hoạt động ngoại giao, giao lưu văn hóa quốc tế. Nhiều chương trình chiếu phim chọn lọc, tuần phim Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài kỷ niệm những sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, góp phần nâng cao khả năng hội nhập quốc tế. Trong đó, nhiều chương trình chiếu phim thành công đã đem lại hiệu quả lớn về mặt tuyên truyền như các tuần phim Việt Nam tại Séc năm 2005, tuần phim Việt Nam tại Pháp năm 2006, Tây Ban Nha năm 2009, tuần phim Việt Nam tại Venezuela, Brazil, Đức năm 2010...
Nhưng, vài năm gần đây, phim Việt Nam bị vướng khi muốn chu xuất ngoại, bởi lẽ, hầu hết các LHP quốc tế đều áp dụng định dạng phim số nhằm tiết kiệm kinh phí và giảm nhẹ khối lượng công việc, nên định dạng DVD của phim Việt không đáp ứng chất lượng kỹ thuật để được chiếu. Mặt khác, số lượng và chất lượng phim Việt cũng còn hạn chế. Đơn cử phim truyện, trung bình chỉ có khoảng 15 phim/năm, nhưng những phim có chất lượng nghệ thuật, đề tài mang tính nhân văn, đại chúng rất ít. Phim tài liệu thì phần nhiều "nặng" về lời bình, không phù hợp với cách làm phim hiện đại (sử dụng tiếng động tự nhiên, ít lời bình). Đấy là chưa kể phim hoạt hình còn đơn sơ cả về hình thức lẫn nội dung, chỉ khoanh vùng được thị hiếu trong nhóm khán giả nhỏ tuổi… Do đó, khâu chọn phim xứng tầm tham dự LHP quốc tế, nhất là tham gia tranh giải, luôn khiến giới chuyên môn đau đầu. Còn với các LHP có chủ đề hẹp hơn như phim thanh thiếu nhi, phim trinh thám, phim giáo dục... cũng hiếm phim Việt đáp ứng được yêu cầu để tranh tài.
Chưa được coi trọng
Tại một cuộc hội thảo về điện ảnh mới đây, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, việc quảng bá phim Việt Nam ra nước ngoài chưa được coi trọng và thiếu tính chuyên nghiệp. Nếu như công cuộc tìm kiếm thị trường ngoại đang được các hãng phim tư nhân dày công hướng đến, thì các hãng phim Nhà nước, đơn vị được quyền xuất khẩu phim lại thiếu mặn mà. Đặc biệt, kinh phí dành cho việc quảng bá phim Việt còn hạn chế ngay cả ở thị trường trong nước, nên việc quảng bá phim Việt tại các LHP phụ thuộc vào ban tổ chức. Cùng với đó, ngành điện ảnh cũng thiếu kinh phí tổ chức cho các đoàn nghệ sĩ làm nghề có dịp học hỏi, giao lưu tại các sự kiện điện ảnh quốc tế. Việc cử đoàn và cử nghệ sĩ tham dự hoạt động điện ảnh phần nhiều phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Cho nên, phim Việt không phù hợp thị hiếu của các "thượng đế" ngoại quốc cũng là điều dễ hiểu.
Năm 2010, bộ phim "Bi, đừng sợ" của đạo diễn Phan Đăng Di giành hai giải "Phim đầu tay xuất sắc" và "Quay phim xuất sắc" tại LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển).
|
Về vấn đề này, bà Ngô Phương Lan thẳng thắn: "Việt Nam vẫn chưa tìm hiểu được trên thế giới, thị trường nào thích xem phim Việt để quảng bá và tìm kiếm các nhà làm phim đến nước ta hợp tác sản xuất. Đây cũng là mục tiêu mà tới đây Cục Điện ảnh phải thực hiện". Còn ông David Shepheard - một nhà làm phim Mỹ cho rằng, điện ảnh Việt cần thiết phải lập Quỹ hỗ trợ tài năng và quảng bá phim. Trong đó, các nhà phát hành cũng như các đạo diễn trẻ có thể xin tiền tài trợ để sản xuất và gửi phim ra nước ngoài dự thi. Ngoài ra, điện ảnh Việt không nhất thiết phải mang phim tham dự các LHP lớn mà hãy quan tâm đến những LHP nhỏ có chất lượng. Cũng không cần thiết phải có phim tham dự các LHP quốc tế, thay vào đó điện ảnh Việt Nam nên gửi các nhà làm phim trẻ đến các LHP để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.