Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện ảnh Việt và những trăn trở bị cắt xén

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Việt Nam những rào cản về nhận thức, thị hiếu khán giả hay chính sách, quá trình kiểm duyệt phim đang kìm hãm sự phát triển của điện ảnh. Thông tin trên được nhiều chuyên gia đưa ra nhìn nhận, đánh giá tại hội thảo “Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam” do Văn phòng UNESCO Hà Nội phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức đầu tuần qua.

Nỗi đau của người làm phim
Nhà phát hành phim “Ròm” cho biết: “Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến mới khó lường, chúng tôi xin thông báo bộ phim "Ròm" sẽ hoãn ra rạp vào ngày 31/7 như dự kiến ban đầu”. Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ: “Đã có quá nhiều thử thách rồi, thêm một thử thách nữa cũng không sao!”. Câu nói của đạo diễn Thanh Huy khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Vì năm ngoái, phim "Ròm" giành giải thưởng lớn tại Busan (Hàn Quốc), bộ phim vẫn chưa được cấp phép phát hành tại Việt Nam nên ê kíp nhận án phạt. Sau đó, bộ phim phải chỉnh sửa để được cấp phép vào tháng 4/2020. Từ khi lên ý tưởng đến lúc gần công chiếu, phim "Ròm" mất 8 năm và 27 bản dựng khác nhau.
 Một cảnh trong phim ''Ròm''.
Điệp khúc cắt, ghép, chỉnh sửa như phim “Ròm” trước khi ra rạp không phải hiếm. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, NSND Thanh Vân nhắc đến một số bộ phim như “Đảo của dân ngụ cư”, “Cha cõng con”. Những bộ phim này theo đánh giá của giới chuyên môn đều có chất lượng tốt nhưng thất bại hoặc gặp khó khi ra rạp. NSND Thanh Vân cho rằng: “Điều này là do tác giả không cho phép cắt bỏ các chi tiết hay”.
Ngoài ra, NSND Thanh Vân cũng nêu thực trạng, hệ thống phát hành không nằm trong hệ thống của Nhà nước nên quyền kiểm soát việc phát hành (giờ chiếu, quảng bá) bị mất. Do đó, chúng ta không thể hỗ trợ cho các tác giả.
Mặt khác, đối với nhiều nhà phát hành như CJ HK Entertainment hay Lotte họ không thích những phim này do không thu được tiền. Khán giả Việt đã quá quen với các bộ phim bom tấn. Vì vậy, để thay đổi thị hiếu của khán giả về một bộ phim hay, chất lượng cần thời gian và tập trung làm tốt hơn công tác truyền thông.
Nhìn thẳng vào hạn chế
Trong cuộc hội thảo “Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam”, ngoài những trình bày của các cơ quan Nhà nước về chính sách trong lĩnh vực điện ảnh, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp văn hóa (VICAS) Nguyễn Thu Phương đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức, hạn chế của điện ảnh Việt Nam.
Qua việc tập hợp 21 ý kiến, bà Nguyễn Thu Phương chỉ ra 5 thách thức chính. Theo góc nhìn của các nhà làm phim và phê bình, điện ảnh Việt còn nhiều rào cản về nhận thức, thị hiếu, bị định hướng giống với Hội đồng kiểm duyệt. Tư tưởng của Hội đồng quá truyền thống, nhận thức của Hội đồng không cởi mở như thời kỳ trước.
Hội đồng kiểm duyệt làm cho sự sáng tạo bị chặn đứng, nội dung phim không chạm được vào phần cốt lõi của đời sống. Theo khảo sát, nhiều ý kiến chỉ ra rằng: Tất cả những phim được ra rạp đều là phim tròn trịa, vô thưởng vô phạt, không còn ai dám làm phim về đề tài xã hội. Khi không dám đối diện với những vấn đề đời sống, rõ ràng một sản phẩm văn hóa, ở đây là phim không chạm được vào vấn đề cốt lõi của đời sống.
Ngoài yếu tố kể trên, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp văn hóa (VICAS) Nguyễn Thu Phương chỉ ra rằng: Hiện nay, Việt Nam chưa hỗ trợ tài chính, kinh tế cho những nhà làm phim trẻ. Họ thiếu kinh phí và định hướng và phải kiếm nguồn đầu tư từ bên ngoài. Mặt khác, hệ thống đào tạo trong các trường điện ảnh chưa chuẩn, chưa giúp các nhà làm phim khai thác được phiên bản tốt nhất của họ”.
Hội thảo “Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ dự án E-MOTIONS nhằm thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim của UNESCO. Dự án được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2019 – 2022 với sự hỗ trợ của Quỹ Tín thác Nhật Bản.