Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020: Hợp tác phát triển minh bạch và bền vững trong thời đại số

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/10, tại Hà Nội, với vai trò quốc gia Chủ tịch ASEAN năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp với chủ đề: Hợp tác phát triển minh bạch và bền vững trong thời đại số và cơ hội mới trong thời đại số.

 Toàn cảnh Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN 2020.

 Diễn đàn khởi nghiệp đã trở thành sự kiện thường nên của chương trình khởi nghiệp quốc gia, đồng thời là một hoạt động nằm trong dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp mới tại Việt Nam” của Chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP Việt Nam, với sự tài trợ của Quỹ Thịnh vượng Anh.
Tại Diễn đàn, chia sẻ kinh nghiệm về sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở một số nước ASEAN và từ thực tế triển khai của chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ, các đại biểu, diễn giả đã đưa ra các giải pháp hoặc mô hình hiệu quả giúp ASEAN trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở châu Á.
Hiện tại, từng quốc gia ASEAN đang theo đuổi những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp riêng nên rất cần kết nối với nhau, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp chung. Trong khi đó, khu vực ASEAN với lợi thế khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi, hứa hẹn tiềm năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo rất lớn.
Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - bà Caitlin Wiesen đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN 2020 của Việt Nam, cũng như sự hợp tác của Chính phủ Vương quốc Anh trong nỗ lực thúc đẩy phát triển tăng trưởng khởi nghiệp ở khu vực ASEAN và Việt Nam.
Bà Wiesen nhấn mạnh: “Với tỷ lệ khởi nghiệp cao trong khu vực ASEAN và động lực đổi mới phát triển doanh nghiệp của họ, chắc chắn những doanh nhân trẻ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong hành trình phục hồi kinh tế xã hội sau Covid-19, thậm chí còn đẩy nhanh tiến trình này trong khu vực. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nhân trẻ trong việc đảm bảo tính liêm chính trong kinh doanh và thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững, chúng ta sẽ không chỉ đóng góp vào xây dựng lại nền kinh tế mà còn đạt được một nền văn hóa xã hội đặt quan tâm hàng đầu vào tuơng lai bền vững hơn cho tất cả mọi người”.
Đặc biệt, Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN cũng bàn đến một chủ đề rất mới mà VCCI đi tiên phong, đưa vào giảng dạy trong các khóa đào tạo, huấn luyện về giảng viên nguồn cũng như cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là kinh doanh liêm chính.
Theo bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Việt Nam, cố vấn đổi mới sáng tạo của Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), điều kiện tiên quyết để chọn doanh nghiệp đầu tư là phải kinh doanh liêm chính. Bởi chỉ khi kinh doanh liêm chính, doanh nghiệp mới tạo được sự minh bạch cho đối tác, cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng. Như vậy, doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.