Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn Kinh tế thế giới: Thông điệp đổi mới và quyết tâm hội nhập

Hân Hân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức đa dạng và phức tạp, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), còn gọi là Diễn đàn Davos diễn ra từ 17 - 20/1 tại Thụy Sĩ là cơ hội để các nhà lãnh đạo quốc tế tìm ra những giải pháp bền vững giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Davos có nhiều bài phát biểu quan trọng mang đến thông điệp quyết tâm đổi mới và hội nhập của Việt Nam.

Tìm lời giải cho thách thức toàn cầu
Với 446 phiên họp xoay quanh chủ đề: “Lãnh đạo hành động và có trách nhiệm”, Diễn đàn Davos một lần nữa cho thấy sự nhạy bén trong việc lựa chọn các vấn đề toàn cầu quan trọng, có tác động lớn đến việc định hình tương lai thế giới. Những bất ổn về an ninh như xung đột, khủng bố; biến động về chính trị như sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy; chuyển biến sâu sắc từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra những bài toán lớn cho các nhà điều hành.
Thực ra, hàng ngàn đại biểu dự Diễn đàn Davos năm ngoái đã tìm cách giải quyết những thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, dự báo 5 triệu việc làm sẽ “bốc hơi” trong 5 năm tới cho thấy, các nhà điều hành cần phải làm hơn nữa để giảm thiểu tác động từ cuộc cách mạng này. Ngoài ra, tình trạng 62 người siêu giàu đang sở hữu khối tài sản tương đương với toàn bộ tài sản của 3,5 tỷ người nghèo nhất là cảnh báo về xu thế “nền kinh tế của 1%” nếu các chính phủ không giải quyết được tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo.
 Dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam.  Ảnh: Thanh Hải
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard hôm 17/1  thẳng thắn thừa nhận, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ đang chiếm ưu thế và xu hướng này tạo ra nhiều mối quan ngại, thách thức cho sự kết nối của cộng đồng toàn cầu và gây trở ngại cho nỗ lực hợp tác của các quốc gia.
Trên bàn nghị sự tại Davos năm nay, hơn 3.000 đại biểu đến từ 70 quốc gia, vùng lãnh thổ bàn thảo về 5 vấn đề chính: Nâng cao quản trị toàn cầu; Ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng; Thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, Tái cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội ở các quốc gia và khu vực; Phát triển các hệ thống công nghiệp và mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Tân Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Theresa May… và lãnh đạo nhiều quốc gia khác đưa ra nhiều kiến giải khác nhau nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
Lãnh đạo phải lắng nghe dân nhiều hơn
Đại diện cho Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại các phiên: Định hình tương lai hệ thống sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực; Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm trong một thế giới đa cực; Triển vọng ASEAN sau chặng đường 50 năm thành lập và phát triển; Quản trị vững mạnh trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Phương cách ASEAN trong thế giới phân mảng; Bản sắc ngành chế tạo: ASEAN đã trở thành một cộng đồng chưa?
Lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Davos với tư cách người đứng đầu Chính phủ mới nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Việt Nam, các bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền tải thông điệp mạnh mẽ về triển vọng kinh tế Việt Nam, những quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; Đồng thời đóng góp tích cực và hiệu quả cho chủ đề của Diễn đàn.
Trên thực tế, chủ đề “Lãnh đạo hành động và có trách nhiệm” của Diễn đàn Davos năm nay hoàn toàn trùng hợp với quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và DN. Theo GS Klaus Schwab - người sáng lập và là Chủ tịch điều hành WEF: Những cuộc trưng cầu ý dân mới đây tại Anh về việc ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) cho thấy sự thiếu nhạy cảm với những mối quan tâm của người dân bắt nguồn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, dẫn đến thực tế là nhiều công ăn việc làm bị mất đi. Vì vậy, “người lãnh đạo phải lắng nghe người dân nhiều hơn” và hành động với lòng dũng cảm và trách nhiệm.
Bước chuyển mạnh mẽ của Chính phủ kiến tạo          
Tại Việt Nam, trên cơ sở “lắng nghe và hành động vì người dân”, Chính phủ đặt ưu tiên trong việc kiến tạo cơ hội cho người dân và DN làm giàu, và hành động kịp thời nhằm giải quyết vướng mắc và khó khăn cho người dân và DN trong sản xuất và cuộc sống.
Theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Viện trưởng viện Quản lý kinh tế T.Ư, “Chính phủ kiến tạo” là thuật ngữ đề cập đến vai trò của nhà nước, chính phủ trong thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Cụ thể là phạm vi, cách thức tạo dựng và thực thi chính sách, khung khổ pháp lý, cách thức điều tiết đối với một quốc gia, nền kinh tế. Năm 2016 đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ của Chính phủ nhằm xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân – những bước đi đầu tiên trên con đường xây dựng một “Chính phủ kiến tạo”. Cùng với những phát biểu, cam kết về tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.
Sau một thời gian được đưa ra, thuật ngữ “Chính phủ kiến tạo” đã dần hiện thực hóa và được giới DN trong nước đón nhận với sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục đình trệ, Việt Nam vẫn đang là điểm đến “hút vốn” ngoại và là thiên đường khởi nghiệp mới ở châu Á. Đa số lãnh đạo các  DN nước ngoài đều bày tỏ sự tin tưởng vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Các dự án được ký kết, những dòng vốn tiếp tục “chảy” vào Việt Nam là lời cam kết trở thành đối tác kiến tạo cho sự phát triển của Việt Nam của cộng đồng DN quốc tế.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cho rằng, để xây dựng được một Chính phủ kiến tạo thì Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo ông Thành, chúng ta nói nhiều tới cải cách bộ máy hành chính theo hướng thân thiện, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giảm thiểu chi phí giao dịch cho DN, tạo dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch, thuận lợi. Điều đó cần, tuy nhiên chưa đủ, bởi cải cách còn liên quan tới quá trình cải tổ bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực làm việc của bộ máy công chức. “Muốn như vậy cần tạo dựng được động lực cho công chức làm việc không chỉ minh bạch, còn cần có khả năng giải trình, và tránh được xung đột giữa lợi ích riêng của họ với nền kinh tế” - ông Thành nhận định.
Những đóng góp của Đoàn đại biểu Việt Nam tại Diễn đàn Davos là cơ hội quảng bá vị thế, vai trò của Việt Nam trên cương vị chủ nhà APEC 2017 nhằm thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động của Năm APEC 2017.
Tại Davos 2017, WEF sẽ dành một số hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong sự phát triển chung của kinh tế và chính trị thế giới, vai trò của ASEAN trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời khẳng định vai trò, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN thông qua tích cực tham dự các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN do WEF tổ chức tại Hội nghị.