Người khai quật quả quyết: “Cuộc khai quật khảo cổ học năm 2016 đã tiếp tục làm rõ thêm một phần không gian Điện Kính Thiên thời Lê trung hưng và Lê sơ, tiếp tục làm rõ thêm một phần không gian kiến trúc quan trọng của Hoàng thành Thăng Long” (Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm do khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2016). GS Phan Huy Lê cũng đồng tình: “Qua 13 năm tiến hành khảo cổ, chúng ta đã có nhiều tư liệu làm cơ sở cho đồ án nghiên cứu phục dựng không gian Điện Kính Thiên. Tuy nhiên, nếu có thể chỉ là phục dựng được không gian, chứ khó lòng phục dựng được Điện Kính Thiên”. Nghĩa là cuộc khai quật vừa qua chỉ phát hiện được không gian Điện Kính Thiên, còn Điện Kính Thiên - mục tiêu cuộc khai quật - vẫn là một dấu hỏi.Không gian Điện Kính ThiênTrong triết học, không gian và thời gian cấu thành 2 hình thức cơ bản của tồn tại vật chất đang vận động, không gian chỉ tính quảng diên của tồn tại vật chất, còn thời gian chỉ tính liên tục và tính trật tự của quá trình vận động vật chất. Không gian và thời gian không tách rời vận động của vật chất và cũng không có vật chất vận động bên ngoài không gian và thời gian… Không gian là khoảng không, mà ở đó không có gì cả, còn “Không gian Điện Kính Thiên” ở đó có Điện Kính Thiên. Do vậy, không có việc “Không gian Điện Kính Thiên” thì phục dựng được, còn Điện Kính Thiên thì không! Ở đây, chỉ có Điện Kính Thiên bị phá hủy đến đâu, còn tồn tại ở mức độ nào, việc phục dựng sẽ được đến mức độ đó mà thôi!
Vị trí hồ khai quật là vấn đề liên quan đến mục tiêu của cuộc khai quật, do vậy trước khi xác định hố khai quật không thể thiếu công tác thăm dò khảo sát. Theo báo cáo thì hố khai quật nằm trong phần đất trống không có kiến trúc hiện đại; hố khai quật liền kề với Đoan Môn ở góc Tây Nam và là phần đất kéo dài về phía Nam của những hố khai quật vốn không phát hiện được Điện Kính Thiên, của những năm trước. Người khai quật đánh giá vị trí này là thuộc “khu vực chính Điện Kính Thiên”.Lớp văn hóa ở đây “diễn biến khá phức tạp do có sự xâm thực của giai đoạn sau xuống các tầng văn hóa giai đoạn trước”. Tình trạng đó không chỉ phát sinh ở đây, mà là hiện tượng phổ biến trong quá trình hình thành tầng văn hóa ở nhiều di chỉ khảo cổ học. Điều cần nói là vật chất tích tụ trong tầng văn hóa ở đây chủ yếu không phải là những vật thải ra trong sinh hoạt hàng ngày của con người, của mỗi bữa ăn…, mà chủ yếu là vật liệu, phế liệu xây dựng, cùng các phế tích kiến trúc của mỗi lần phá bỏ để lại.
Quá trình tích tụ đó không diễn ra hàng ngày, mà chỉ xảy ra sau cuộc phá bỏ các công trình xây dựng và chấm dứt khi các công trình mới xây dựng xong. Những dấu tích kiến trúc bị phá hủy đó, vốn được xây dựng trên mặt bằng hoạt động của con người, được bố trí theo một quy hoạch nhất định, do vậy khi được phát hiện không nên quy chúng vào một tầng văn hóa nào đó, mà cần làm rõ chúng đã được xây dựng trên một mặt bằng xây dựng nào. Do vậy, trong quá trình khai quật, việc xác định mặt bằng xây dựng quan trọng hơn việc xác định tầng văn hóa. Thế nhưng, trong cuộc khai quật, mặt bằng xây dựng ít được chú ý, các kiến trúc phát hiện được trở thành những mảnh riêng lẻ khó hiểu…Chẳng hạn như trong lớp văn hóa thuộc Lê trung hưng, một lớp dầy 40 - 50cm, là lớp hàm chứa dấu tích kiến trúc của Điện Kính Thiên. Báo cáo cho hay: “Trong lớp văn hóa này đã phát hiện hệ thống móng kiến trúc, bó nền và sân gạch vồ thời Lê trung hưng”. Nền nhà và sân gạch đó, ngoài quan hệ cùng được xây dựng trong thời kỳ Lê trung hưng, có quan hệ sử dụng gì không? Sân gạch đó có phải là sân của ngôi nhà này không? Khi lật sang trang sau của báo cáo: “Hệ thống móng kiến trúc”, được phân chia thành hai kiến trúc có niên đại sớm muộn khác nhau, sân gạch vồ thành sân Đan Trì; cuối cùng hai kiến trúc lại phân thành bốn kiến trúc khác nhau và mỗi kiến trúc kèm theo một số móng cột. Móng cột, có trường hợp còn nằm trong nền nhà, có trường hợp vật gia cố cùng với đất, nhô lên cao khỏi mặt đất…
Điều đó, đã gây ra không ít khó khăn cho người muốn tìm hiểu về những kiến trúc đã phát hiện được. Từ vị trí của những kiến trúc đã phát hiện, chúng ở gần sát Đoan môn về phía tây, chỉ riêng về điều đó chứng tỏ chúng khó có thể là dấu tích của Điện Kính Thiên thời Lê được và đương nhiên chúng cũng không là “không gian Điện Kính Thiên thời Lê trung hưng” như kết luận của báo cáo!Điện Kính Thiên thời Lê đang ở đâu?Đến nay, khai quật khảo cổ đang trong quá trình “thăm dò” chưa có câu trả lời cho vấn đề này. Trong cuốn sách “1000 năm Thăng Long, Hà Nội” (xuất bản năm 2009), nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc khẳng định: “NỀN HÀNH CUNG CŨNG LÀ NỀN ĐIỆN KÍNH THIÊN THỜI LÊ”. Điện Kính Thiên là nơi đế vương phong kiến hành sử quyền lực, cử hành các buổi lễ trang trọng, là nơi nhà vua lên ngôi… Do vậy, Điện thuộc loại kiến trúc cao to và tọa lạc tại tâm điểm của Cấm thành. Từ nền kiến trúc cho thấy kiến trúc có cửa hướng Nam, đối diện với Đoan môn, cửa đi vào Cấm thành. Nền kiến trúc có quy mô không nhỏ, cao tới 1,5m, chung quanh ốp đá, có 9 bậc lên xuống, tay vịn đá hình rồng… Tay vị hình rồng được các chuyên gia xác định là “tạo tác năm 1467, thời vua Lê Thanh Tông”. Còn “thềm rồng phía sau được tạo tác khoảng thế kỷ XVII, XVIII” cho thấy nền kiến trúc này đã được tái sử dụng một số lần.Từ những điều đó, cho thấy nền kiến trúc này có nhiều khả năng đã từng là nền Điện “Kính Thiên” thời Lê.Với nền kiến trúc này, vấn đề nội tâm của nó chưa rõ! Như đất đắp nền là loại đất gì? Phải chăng là loại đất sạch lấy từ nơi khác đem về, kỹ thuật đầm nền có được sử dụng(?), hay là đất đồi tại chỗ? Trong nền có hay không có móng cột (?) số lượng cùng sự bố trí của chúng (?)… Tuy vậy, nhận định của Nguyễn Vinh Phúc rất đáng được trân trọng, nó là một hướng thực tế trong cuộc đi tìm Điện Kính Thiên thời Lê.