Ngày 12/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, quyết định của Liên minh châu Âu (EU) về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng sẽ cản trở những nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ giữa 2 bên trong tương lai. "EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga, điều này không hoàn toàn bất ngờ đối với Moscow. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi những biện pháp đối phó trước sức ép kinh tế này trong thời gian sắp tới" - ông Peskov cho biết tại cuộc họp báo hôm 12/7.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng lưu ý: "Rõ ràng, những quyết định như vậy sẽ làm lu mờ triển vọng về bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Brussels trong tương lai".
Trả lời câu hỏi về mối liên quan giữa đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao EU - Nga và quyết định gia hạn lệnh trừng phạt, người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý rằng "có những quan điểm khác nhau trong EU về quan hệ với Nga".
Ông Peskov nhắc lại rằng sáng kiến của Berlin và Paris về việc thiết lập các kênh liên lạc với Moscow đã không được nhiều nước thành viên EU ủng hộ.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh từ ngày 24 - 25/6, lãnh đạo của 27 nước thành viên EU không nhất trì với đề xuất của lãnh đạo Đức và Pháp tổ chức cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Điện Kremlin đưa ra ngay sau khi Hội đồng EU thông qua việc gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng. Quyết định này đã được thông qua tại cuộc họp của các Ngoại trưởng EU trong ngày 12/7, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các thỏa thuận Minsk tại cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu ở Brussels từ ngày 24 - 25/6. Hội đồng EU nhắc lại rằng các lệnh trừng phạt này được áp đặt đối với Nga vào năm 2014, để đáp trả các hành động gây bất ổn tình hình ở miền đông Ukraine.
Vào năm 2014, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea. Kể từ đó, các biện pháp trừng phạt này liên tục được gia hạn và kéo dài. Các cuộc đàm phán về việc hủy bỏ thị thực và một thỏa thuận cơ bản mới về hợp tác đã bị đình trệ, một số quan chức Nga bị cấm đến các nước EU và tài sản của họ bị đóng băng. Ngoài ra, EU cũng thực hiện các hạn chế về thương mại, tài chính và quân sự đối với Nga. Đáp lại, Moscow cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước EU.