Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện thoại "siêu" mất giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều dòng smartphone mất giá nhanh đến chóng mặt, người dùng đau đầu vì hàng xài chưa hết tính năng nhưng không còn giá cũ và công nghệ đã lạc hậu.

Nếu như trước đây những chiếc điện thoại thông minh phải mất hơn sáu tháng mới có dấu hiệu giảm giá đáng kể, thì hiện nay, với sự cạnh tranh mạnh mẽ, những dòng điện thoại công nghệ mới liên tục xuất hiện. Những chiếc điện thoại xuất hiện chỉ vài tháng đã nhanh chóng rớt giá thê thảm như bong bóng xì hơi.

S3 dù là sản phẩm “hot” trên thị trường nhưng vẫn nhanh chóng mất giá sau vài tháng xuất hiện.

Kiểu nào cũng lỗ

Trước tình hình các dòng điện thoại mới xuất hiện tràn lan, theo khảo sát trên thị trường, nhiều dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android đều chung số phận mất giá, trong đó có không ít model cao cấp làm mưa làm gió trên thị trường như Samsung S2, Galaxy Note, HTC One X… Đặc biệt, một số dòng chỉ sau một tháng đã giảm mất hơn một triệu đồng.

 Điện thoại "siêu" mất giá - Ảnh 1
 
Anh Đức Long, một người mê xài smartphone (quận Phú Nhuận, TP.HCM), đến giờ vẫn còn tiếc nuối. Cách đây vài tháng, thấy điện thoại Samsung S2 mặc dù đã xuất hiện từ năm rồi nhưng được nhiều người khen ngợi, anh mua liền hai chiếc hàng xách tay với giá hơn 9 triệu đồng cho anh và một người bà con sử dụng. Thế nhưng, chỉ sau bốn tháng sử dụng, Samsung S3 xuất hiện và S2 rớt giá thê thảm, anh và người bà con phải bán ngay với mức chịu lỗ gần 4 triệu đồng một chiếc.

“Thực tế không chỉ mình, nhiều bạn bè xài điện thoại cũng từng phải bấm bụng bán vội, vì điện thoại càng lúc càng lạc hậu và mất giá. Nếu nhẩm tính thì với việc sử dụng smartphone hiện nay, nhất là các dòng điện thoại trên 10 triệu đồng, thì trung bình mỗi tháng người tiêu dùng phải mất hơn 500.000 đồng tiền điện thoại bị mất giá, trong đó có một vài dòng người dùng phải mất cả triệu đồng”, anh Long phân tích.

Anh Hùng, một người xài Samsung S3, cũng than thở lúc Samsung S3 mới xuất hiện, anh thấy chiếc điện thoại này công nghệ khá "đỉnh", thậm chí là cấu hình cao hơn cả iPhone 5, dù dòng điện thoại “trái táo” chưa xuất hiện. Thế là quyết định mua ngay sử dụng mà không chờ iPhone 5, lúc đó anh mua giá 15,9 triệu đồng. Thế nhưng, dù là chiếc điện thoại thuộc dạng hàng “hot”, chỉ sau hơn một tháng, chiếc điện thoại này bắt đầu rớt giá vì có nơi bán hàng chính hãng giảm đến 1,5 triệu đồng. Chỉ sau bốn tháng, chiếc điện thoại này siêu giảm giá, nhiều nơi bán hàng công ty chỉ còn 12,9 triệu đồng và hàng xách tay thì mức giá còn rẻ hơn nhiều.

Đủ chiêu hạn chế mất giá

Trước tình trạng điện thoại quá nhanh mất giá, nhiều người tiêu dùng ngoài bấm bụng để xài luôn hoặc “bán đổ bán tháo”, cũng có người đưa ra giải pháp để chống mất giá. Anh Phương, một thợ chuyên sửa iPhone ở quận 10, cũng là một tín đồ của Apple, cho biết thực chất hiện nay nhiều người xài chọn giải pháp chống mất giá bằng việc xài điện thoại Apple là iPhone.

Mặc dù các điện thoại này thực chất khó xài và việc sử dụng phần mềm ứng dụng phải dùng bẻ khóa do mất phí cao, nhưng cái hay của iPhone là không mất giá nhiều. Một chiếc điện thoại mới nếu xài kỹ không để bị trầy xước, dùng khoảng 2-3 tháng đem ra bán sẽ chỉ mất nhiều lắm khoảng 1-2 triệu đồng. Có thể thấy rõ các dòng máy iPhone 4S, dù hàng cũ xuất hiện từ năm rồi nhưng hiện nay thị trường giá vẫn không dưới 10 triệu đồng.

Theo một số ý kiến khác, để tránh mất giá, nhiều người chọn chơi điện thoại ít tính năng vì mức giá quá rẻ không thể mất hơn nữa, hay chơi các dòng cao cấp như Vertu giá khá cao nhưng rất ít khi mất giá, hoặc chuyển sang mua các sản phẩm xách tay ở các cửa tiệm có bảo hành. Với mức chênh lệch hàng chính hãng khoảng 2-4 triệu đồng, khi mất giá sẽ đỡ lo so với việc bỏ ra hơn chục triệu đồng để mua một chiếc điện thoại y hệt nhưng mất giá như nhau.

Anh Hoàng Giang, doanh nghiệp kinh doanh hàng công nghệ ở quận 1, cho biết thực tế các hãng khi tung sản phẩm mới thường đánh mạnh vào maketing để đẩy giá lên cao ngất ngưởng. Sau khi tiêu thụ một thời gian thì các dòng điện thoại này trở lại giá trị thực.

Để hạn chế mất giá, nhiều người chọn giải pháp là chờ đợi, nhưng nếu với những người mê khám phá công nghệ và có tiền, chắc chắn chuyện mất giá không phải là vấn đề lớn.

Theo một nghiên cứu mới đây của Priceconomics (Mỹ), một website chuyên theo dõi điện thoại cũ và so sánh giá bán của chúng với điện thoại mới, người tiêu dùng đã sở hữu một chiếc iPhone được 18 tháng và quyết định bán lại, thì sẽ được trả giá cao hơn bất cứ smartphone Android hay BlackBerry cùng hạng nào. Cụ thể, iPhone còn lại 53% giá trị gốc, so với mức 42% của Android và 41% của BlackBerry.

Theo Priceconomics, người dùng có thể mua một chiếc iPhone 4S hôm nay và bán lại sau vài tháng nữa trên thị trường thứ cấp với giá gần bằng giá mua. Tuy nhiên, mẫu điện thoại Android nổi nhất hiện nay, chỉ vài tháng sau nó đã khấu hao tới vài trăm USD.