Cũng chính bởi quan niệm làm nghề có phần “khắc nghiệt” như vậy nên nhắc đến chị-nghệ sỹ nhân dân Lan Hương với hành trình hơn bốn thập kỷ gắn bó với nghệ thuật, người ta ít nói đến những con số (số lượng tác phẩm điện ảnh, sân khấu mà chị từng tham gia).
Thay vào đó, công chúng thường gợi nhắc tới những vai diễn “đóng đinh” với tên tuổi của chị hay những vở kịch khẳng định được dấu ấn riêng của Lan Hương trong vai trò đạo diễn. Chị bảo: “Cứ đi chậm thôi nhưng hãy bước cho chắc!”
Nghệ sỹ Lan Hương diễn "Vườn thiên đàng" trên sân khấu (Ảnh: NVCC)
|
“Không theo được các bạn trẻ”
- Hình như Lan Hương khá có duyên với những vai “ông hoàng bà chúa” trong các tác phẩm điện ảnh và sân khấu. Tôi còn nhớ, cách đây trên 10 năm, chị từng diễn rất thành công nhân vật Trần Thị Dung (vợ vua Lý Huệ Tông) trong vở kịch “Rừng trúc.” Bây giờ, trên mản ảnh nhỏ, chị lại tái ngộ khán giả trong vai Đàm Hoàng hậu (vợ vua Lý Cao Tông) trong bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ”.
NSND Lan Hương: Quả thực, lâu nay, tôi vẫn nghĩ rằng đây là một mối cơ duyên trong đời mình. Trần Thị Dung và Đàm Hoàng hậu là hai người phụ nữ đối nghịch trong lịch sử. Viết về họ, các sử gia đã tốn không ít giấy mực.
Vào vai hai nhân vật này, tôi thực sự được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc và ngẫm ra nhiều điều về thân phận những người phụ nữ.
Khi nhận lời tham gia hai tác phẩm đó, tôi đã phải đọc rất nhiều tài liệu lịch sử và nghiền ngẫm kịch bản khá lâu để hiểu được tính cách và những diễn biến tâm lý của nhân vật trước những quyết định lịch sử.
Người đời nói họ đều là những người đàn bà độc ác với những mưu mô thâm độc và hành động tàn nhẫn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, thật khó để khẳng định ai sai, ai đúng trong bối cảnh chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần thời bấy giờ. Họ “chiến đấu” với nhau, mọi hành động của họ đều vì mục đích bảo vệ lợi ích gia tộc của mình.
Suy cho cùng, khi bỏ tấm áo choàng của hoàng tộc ra, họ đều là những phụ nữ đa đoan và những phận người đáng thương với những tâm sự chất chứa.
- Chị thấy vào vai Trần Thị Dung hay nhập vai Đàm Hoàng hậu khó hơn?
NSND Lan Hương: Thú thực, cả hai vai đó đều khó và “nặng đô” như nhau.
Khi vào vai hai bà hoàng này, tôi luôn tâm niệm làm sao để làm toát lên được thần thái của họ trong những quyết định lịch sử. Nếu diễn không đạt sẽ là có lỗi với tiền nhân.
Bà Trần Thị Dung và Đàm Hoàng hậu đều là những phụ nữ có tính cách rất “sâu” và những “bão tố” trong lòng.
- Tôi thấy, có vẻ như, chị khó tính và cầu toàn quá khi chỉ dồn sức vào một mục tiêu cụ thể. Điển hình như việc, suốt hơn 10 năm qua, công chúng chủ yếu chỉ thấy chị “chăm chút” cho các tác phẩm sân khấu mà vắng bóng trong điện ảnh, ngoại trừ việc tham gia dự án phim “Thái sư Trần Thủ Độ.”
NSND Lan Hương: Tôi luôn nghĩ, đã làm gì thì phải làm cho tới. Tôi không chấp nhận kiểu làm việc hời hợt. Trong khi đó, bản thân mình lại không “ba đầu sáu tay.” Thế nên, khi đam mê và dành sức cho sân khấu thì tôi phải vắng bóng ở điện ảnh.
Có người nói tôi cực đoan nhưng quan điểm của tôi là như vậy!
Bây giờ, các bạn trẻ có thể tham gia được cùng lúc nhiều dự án nhưng tôi thấy mình không đủ sức làm như thế. Các bạn có thể “biến hóa” rất nhanh, đang khóc ở cảnh này nhưng lại có thể cười tươi rói ngay khi chuyển sang quay một cảnh khác. Tôi không theo được diễn viên trẻ hiện nay về vấn đề này.
Tôi muốn diễn những vai diễn có độ sâu về tính cách và phải có sự nhập vai thực sự; và muốn làm được điều đó thì tôi phải có thời gian để suy ngẫm.
Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương trong một cảnh phim "Thái sư Trần Thủ Độ" (Ảnh: NVCC)
|
“Khi dựng vở, tôi rất dễ nổi nóng”
- Trải qua hành trình từ diễn viên tới đạo diễn, chị thấy mình làm tốt vai trò nào hơn?
NSND Lan Hương: Với nghệ thuật, tôi nghĩ rằng rất khó để có được sự hài lòng tuyệt đối; đã làm nghệ thuật thì không thể tránh được những lời khen, chê.
Tuy nhiên, ở mỗi vị trí, tôi đều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất trong điều kiện có thể.
Thời gian làm diễn viên đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm khi bước chân vào làng đạo diễn. Ví dụ như việc, tôi có thể hướng dẫn trực tiếp cho các nghệ sỹ trong ê kíp của mình những lối diễn cách, để khán giả thấy rõ được biểu hiện diễn xuất của người diễn viên trên sân khấu. Bởi câu chuyện trên sân khấu kịch không dàn trải, nó đòi hỏi phải có điểm nhấn.
Ngược lại, khi trở thành đạo diễn rồi, tôi cũng dần hạn chế được sự cực đoan của mình. Thời điểm còn là diễn viên, tôi phiến diện lắm. Khi cảm thấy tâm đắc với một nhân vật nào, tôi luôn “đòi” đạo diễn phải cho thêm đất diễn mặc dù thời lượng của vở kịch là rất có hạn.
Nhưng khi ở vị trí của đạo diễn, tôi phải bao quát tất cả các khâu từ diễn xuất của diễn viên tới âm thanh, ánh sáng; phải có những cách xử lý “mảng, miếng” của từng phân đoạn… để tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh. Tôi ý thức được giới hạn của các vai diễn và yêu cầu về sự hài hòa các yếu tố trong tổng thể chung của một tác phẩm nghệ thuật.
Trong nghệ thuật, để biết “bao nhiêu” là vừa, là đủ, quả thực, tôi nghĩ không phải là điều đơn giản!
- Chị khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh một Lan Hương “hét ra lửa” trên sàn tập. Bởi, nếu không như vậy, sao chị có thể “chế ngự” được những diễn viên luôn “đòi hỏi” như chị ngày trước, để đưa tất cả vào một khuôn chung?
NSND Lan Hương: Cũng có thể nói là như vậy! Tôi là người nghiêm khắc, thậm chí khắc nghiệt trong công việc.
Với vai trò đạo diễn, tôi là người chịu trách nhiệm chính về sự thành bại của tác phẩm. Vì thế, tôi phải cố gắng điều chỉnh để tạo nên sự hài hòa chung. Tất nhiên, tôi vẫn luôn giữ nguyên tắc tôn trọng cá tính và sự sáng tạo riêng của nghệ sỹ.
Nhiều người nói tôi là con người “hai trong một.” Trong cuộc sống, người ta rất ít khi thấy tôi cáu gắt nhưng khi dựng vở, tôi lại rất dễ nổi nóng.
Tôi luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe với chình mình và những diễn viên trong đoàn. Nếu làm không đạt thì dù là một động tác thôi cũng phải tập đi tập lại. Mỗi tác phẩm khi đã giới thiệu đến công chúng là phải đẹp, hoàn chỉnh!
Bản thân tôi luôn là người yêu cái đẹp, thích mọi thứ đều phải đẹp!
- Như vậy, những diễn viên có ngoại hình đẹp sẽ ghi điểm nhiều hơn trong mắt một đạo diễn như chị?
NSND Lan Hương: Với diễn viên, ngoại hình đẹp luôn là một ưu thế. Trước khi khán giả cảm nhận nội dung một vở kịch hay bộ phim, nếu nhìn thấy diễn viên đẹp, tôi tin rằng họ cũng có cảm tình hơn rồi.
Thế nhưng, đó mới chỉ là bước đầu. Đẹp thôi chưa đủ để giữ chân công chúng! Điều quan trọng nhất vẫn phải là diễn xuất.
- Trân trọng cảm ơn chị về những chia sẻ!