Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng: Căn chỉnh theo thực tế triển khai dự án

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong giai đoạn biến động của nền kinh tế, giá cả các mặt hàng, trong đó có giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và phí nhân công đều tăng cao.

Để sự tăng giá này không ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng, việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần căn cứ vào thực tế của mỗi dự án, công trình để sao cho có hiệu quả nhất.

Tăng 30 - 40% giá trị đã duyệt

Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), từ năm 2007 đến nay, đã có hai đợt biến động lớn về giá, đỉnh cao là năm 2008 với mức tăng khoảng 150% so với năm 2007. Việc biến động này đã ảnh hưởng tới hàng loạt các công trình xây dựng và đã bị trì hoãn. Đến năm 2010, một đợt biến động giá thép đã tạo nên cơn "sóng" trên thị trường xây dựng, do các yếu tố đầu vào cho sản xuất tăng.

Do xu hướng không ổn định và biến động theo chiều hướng đi lên của giá vật liệu xây dựng những năm gần đây đã gây khó khăn trong công tác quản lý, thực hiện các dự án, gói thầu xây dựng. Qua số liệu điều chỉnh chi phí của một số dự án, gói thầu đã thực hiện trong giai đoạn 2007 - 2011 cho thấy, mức tăng chi phí xây dựng so với giá trị đã được phê duyệt phổ biến trong khoảng từ 30 - 40%, cá biệt có dự án còn có mức tăng cao hơn. Đáng chú ý, giá vật liệu tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án, gói thầu. Ngoài ra, những biến động về giá xây dựng còn ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như mức tăng GDP, lạm phát và hiệu quả đầu tư xét trên góc độ ngành, lĩnh vực của cả nền kinh tế.

Không điều chỉnh, dự án bị kéo dài

Trước các tác động ảnh hưởng của giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng tới toàn bộ nền kinh tế nói chung, có chuyên gia cho rằng, tùy từng trường hợp cụ thể để điều chỉnh giá hợp đồng. Có thể điều chỉnh giá hợp đồng trong các trường hợp cụ thể như: bổ sung khối lượng công việc ngoài phạm vi quy định trong hợp đồng; ký hợp đồng sử dụng đơn giá tạm tính; khối lượng phát sinh lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng mà nhà thầu thực hiện; giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị nêu trong hợp đồng có biến động lớn hoặc các khoản trượt giá đã quy định trong hợp đồng...

Việc điều chỉnh giá hợp đồng phải sử dụng chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, các tổ chức tư vấn, Tổng cục Thống kê công bố hoặc theo công thức xác định điều chỉnh. Trường hợp vật liệu nhập khẩu thường không được điều chỉnh do tính bằng USD. Nếu quy định điều chỉnh, tính theo chỉ số giá của Ngân hàng T.Ư quốc gia có nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Chẳng hạn như vật liệu nhập từ Nhật Bản, phải tính theo tỷ giá của đồng Yên tại Ngân hàng T.Ư Nhật Bản.

Ông Ngô Thế Vinh, chuyên gia Viện Kinh tế Xây dựng cho rằng, việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng được thực hiện trên cơ sở đã điều chỉnh lại mức chi phí của dự án. Đối với các dự án, gói thầu đang thực hiện nhưng bị kéo dài về tiến độ và không mang lại hiệu quả trong sử dụng thì không điều chỉnh bổ sung kinh phí và giá hợp đồng. Thậm chí, có thể xem xét khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển nhượng dự án. Với những dự án mới, cần đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng trước khi được phê duyệt. "Thực hiện các biện pháp tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất và giá thành xây dựng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế mức độ biến động của tỷ giá xây dựng" - ông Vinh chia sẻ.