Quy hoạch chưa theo kịp thực tiễn phát triển
Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg (QHC 1259), TP Hà Nội đã phê duyệt các quy hoạch phân khu liên quan đến quan đến địa bàn huyện Gia Lâm như phân khu đô thị N9, N10, N11. Ngoài ra, còn một số quy hoạch phân khu đang triển khai chưa được phê duyệt như phân khu đô thị sông Hồng, phân khu đô thị sông Đuống.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, sau 10 năm triển khai thực hiện QHC 1259 trên địa bàn huyện đã nảy sinh một số bất cập, chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của huyện. Cụ thể, theo QHC 1259 trên địa bàn huyện có 60% diện tích trong khu vực phát triển đô thị và 40% diện tích ngoài đô thị. Tuy nhiên đến nay, định hướng này đã không còn phù hợp với đề án phát triển huyện thành quận vào năm 2025 cũng như sự phát triển đô thị mạnh mẽ của các tỉnh giáp ranh.
Dự báo dân số đô thị trên địa bàn huyện theo QHC 1259 đến nay cũng không còn phù hợp với thực trạng phát triển. Dân số của huyện năm 2019 - 2020 là khoảng 300.000 người, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 2,2%/năm. Đồng thời, QHC 1259 cũng chưa phân bổ dân số khu vực ngoài đê sông Hồng, điều này là chưa phù hợp với thực tế và chưa khai thác hết tiềm năng quỹ đất ngoài bãi sông, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và các dự án dân sinh tại khu vực này.
Từ thực tiễn bất cập, Phó Chủ tịch huyện Gia Lâm cho biết, huyện đã có kiến nghị với TP trong quá trình điều chỉnh tổng thể QHC 1259 tới đây cần nghiên cứu phạm vi phát triển đô thị đến hết địa giới hành chính của huyện. Điều chỉnh tăng quy mô dân số và phân bổ dân cư đảm bảo phù hợp với định hướng xây dựng huyện thành quận vào năm 2025. Cùng đó, điều chỉnh phân bố cơ cấu đất đai, nâng các chỉ tiêu về mật độ xây dựng, tầng cao để đảm bảo nâng hiệu quả sử dụng đất.
Cùng chung vấn đề, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho hay, cụ thể hóa QHC 1259, TP đã sớm hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị N5, N7, N8, N9, GN trên địa bàn huyện. Đến nay, khoảng 85% diện tích toàn huyện đã có quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị, còn lại khoảng 15% diện tích chưa có quy hoạch đô thị. Trong đó, khoảng 2.000ha nằm trong quy hoạch phân khu sông Hồng, quy hoạch phân khu sông Đuống chưa được phê duyệt và khoảng 2.000ha thuộc địa bàn 6 xã Vân Hà, Liên Hà, Thụy Lâm, Việt Hùng, Xuân Nộn và Dục Tú.
Để thực hiện đề án phát triển huyện Đông Anh thành quận vào năm 2025, huyện kiến nghị Thành phố điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội khu vực ngoài phát triển đô thị (khoảng 2.000ha thuộc địa bàn 6 xã Vân Hà, Liên Hà, Thụy Lâm, Việt Hùng, Xuân Nộn và Dục Tú) thành khu vực phát triển đô thị và lập Quy hoạch phân khu đô thị vì đây là khu vực thuộc các xã có làng nghề truyền thống, có điều kiện phát triển kinh tế và tiếp giáp với khu vực phát triển đô thị của các huyện và thị xã Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh. Mặt khác, khi TP đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên, khu vực này sẽ trở thành cửa ngõ của Thủ đô với đô thị phát triển đồng bộ, toàn diện.
Bài học kinh nghiệm
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, TP đặt ra vấn đề chuyển 5 huyện thành quận là việc hết sức cần thiết, nhưng đến nay chưa hoàn thành do còn vướng mắc liên quan đến quy hoạch. Nguyên nhân được vị chuyên gia phân tích, việc đưa một số huyện lên quận không phải là vấn đề mới mà đã được đặt ra tại QHC 1259. Lẽ ra, mọi việc sẽ dễ dàng và không ở vào tình thế mắc kẹt như hiện nay, nếu ngay sau khi có định hướng tại QHC 1259, TP Hà Nội xây dựng cho các huyện thành quận một cơ chế phát triển, một hệ thống quản lý khác với các huyện bền vững.
Có cơ chế quản lý từ đầu sẽ không có chuyện dù được định hướng thành quận nhưng cách đây 2 - 3 năm các huyện vẫn tiếp tục duyệt quy hoạch nông thôn mới với rất nhiều tiêu chí về thủy lợi, điện đường, trường, trạm... Đặc biệt, như huyện Đan Phượng đã có 100% xã đạt nông thôn mới. “Vì vậy từ bài học kinh nghiệm này, ngay sau khi hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tới đây, TP Hà Nội cần xây dựng ngay một cơ chế quản lý riêng đối với các huyện sẽ được xác định lên quận trong 10 - 15 năm tới” - ông Tô Anh Tuấn nêu.
Về tiến độ Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, mới đây, tại cuộc họp tổng kết 10 tháng thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, đến nay, vẫn còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, 5 huyện đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp để hoàn thành các chỉ tiêu huyện lên quận và đã đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, huyện Gia Lâm đã đạt 25/27 tiêu chí; huyện Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí; huyện Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí; huyện Đan Phượng đạt 20/27 tiêu chí; huyện Đông Anh đạt 19/27 tiêu chí.
Như vậy cho đến nay, cả 5 huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng đều còn những tiêu chí chưa đạt để thành quận. Nhằm xem xét tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, xây dựng 5 huyện thành quận, vào cuối tháng 10/2021 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 3599/UBND-NC yêu cầu giám đốc các Sở là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP, khẩn trương rà soát toàn bộ các nhiệm vụ được giao trong việc đầu tư xây dựng 5 huyện thành quận, đề xuất TP các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để xây dựng 5 huyện thành quận… Để đẩy nhanh quá trình đưa các huyện này thành quận, đồng thời đảm bảo đô thị đạt chất lượng, phát triển bài bản và bền vững, công tác quy hoạch rất cần được quan tâm gỡ vướng.
"Ngày 1/6/2020, Sở QH - KT đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy hoạch, kiến trúc đối với các huyện dự kiến phát triển lên quận. Trong đó, đối với khu vực dân cư hiện hữu, sẽ từng bước phủ kín quy hoạch chi tiết, tích hợp tiêu chí nông thôn mới nâng cao với các nội dung thuộc Chương trình phát triển đô thị toàn TP Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Với quy hoạch chi tiết, sẽ tái cấu trúc các đơn vị ở nhỏ nhất (từ 4.000 - 20.000 người) theo hướng mở rộng quỹ đất dự trữ, nâng chỉ tiêu quỹ đất trường học, thiết chế văn hóa, cây xanh, công trình công cộng..." - Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh. |