Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến nợ công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay 21/4, các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế, trong đó, không ít tham luận tập trung vào vấn đề nợ xấu, tỷ giá.

Dưới góc nhìn của Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Hà Huy Tuấn thì ở năm 2014 “có thể nói việc điều hành lãi suất đã tương đối thành công”. Lãi suất được điều hành một cách linh hoạt không những tạo điều kiện kéo mặt bằng lãi suất về bằng giai đoạn 2005 – 2006, đẩy mạnh sản xuất mà còn được sử dụng linh hoạt để duy trì tỷ giá và ổn định thị trường nội tệ.

TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia nhận định, mức lạm phát thấp năm 2014 và quý 1/2015 đang mở ra khả năng tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tuy đã có sự cải thiện trên thị trường tài chính, song  PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tỏ ra nghi ngờ, rằng “đó dường như chỉ là biểu hiện bề ngoài, còn ẩn sâu trong tổ chức quản trị, giám sát toàn hệ thống vãn tồn tại nhiều điểm yếu”. Rõ ràng nhất, là xu hướng gia tăng nợ xấu, xử lý nợ xấu mang tính cơ học, phi thị trường. Các hoạt động mua lại, sáp nhập mà không làm thay đổi căn bản cấu trúc quản trị sẽ khó có thể xoay chuyển tình thế hiện nay.

Liên quan đến nợ xấu, ông Thiên thống kê, cho tới giữa năm 2013, xu hướng chung là tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Từ giữa năm 2013, sự ra đời của VAMC và hoạt động mua nợ xấu của các NHTM đã giúp tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 3.6%. Đến tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 4.11%. Đến tháng 11/2014. tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 3.8%, nhưng việc giảm này vẫn là nhờ vào cơ chế hoán đổi nợ lấy trái phiếu đặc biệt của VAMC. Như thế, tiến trình tái cơ cấu hệ thống. Kể từ khi ra đời cho đến hết năm 2014, tổ chức này đã mua khoảng 125-130 nghìn tỷ đồng nợ xấu gốc từ các TCTD. Tuy vậy, giá trị nợ xấu VAMC thu hồi được là không đáng kể. Tính đến 24/12/2014, chỉ thu hồi được khoảng 4.161 tỷ đồng. 

Đánh giá về chính sách điều hành tỷ giá năm 2014, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tỷ giá đã được giữ ổn định, góp phần cải thiện nền kinh tế vĩ mô. Mặc dù điều này giúp làm giảm chi phí và rủi ro giao dịch nhưng đối với thị trường tài chính chưa hoàn thiện của Việt Nam, nó lại tiềm ẩn những rủi ro tiềm tàng. “Đồng Việt Nam bị đánh giá cao, gây áp lực lên tỷ giá, dẫn đến đầu cơ, đe dọa sự ổn định của thị trường ngoại hối”- ông Thiên chia sẻ.

Tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cơ sở để ổn định tỷ giá trong bối cảnh đô la Mỹ đang có biến động trên toàn cầu. Bà Hồng cho biết đến thời điểm tháng 3/2015, NHNN đã phối  hợp với các bộ, ngành đánh giá cán cân thanh toán quốc tế năm 2015, thì thấy thặng dư là 5 tỉ đô la Mỹ. Vì thế NHNN có cơ sở ổn định tỷ giá. “Tỷ giá vẫn còn trong kiểm soát của NHNN. Chúng tôi không thấy có nhu cầu đột biến (về đô la Mỹ) gây tác động tỷ giá”, Phó Thống đốc NHNN khẳng định.

Bà Hồng cho rằng, điều hành tỷ giá phải nhìn vào tổng thể nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp xuất khẩu hay nhập khẩu. Bà cảnh báo, điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng lớn đến nợ công của Nhà nước, và nợ nước ngoài của doanh nghiệp. “IMF cũng đánh giá tỷ giá của tiền đồng chưa có dấu hiệu không phù hợp”, bà khẳng định.