Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều động, luân chuyển cán bộ phải dân chủ, công khai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế - xã hội giữ được mức tăng trưởng khá, trật tự đô thị dần đi vào nền nếp, các điểm nóng được giải quyết kịp thời… là những kết quả đáng ghi nhận từ việc cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XI về xây dựng Đảng của quận Đống Đa trong công tác luân chuyển cán bộ.

Thử thách từ cơ sở

Cách đây 2 năm, khi được luân chuyển từ Phó ban Tuyên giáo Quận ủy về làm Bí thư Đảng ủy phường Trung Liệt, lúc đầu bà Trần Thị Minh Xuân cũng không tránh khỏi tâm tư. Bởi lẽ, đã quen công việc cũ, lại là phụ nữ, tuổi đời trẻ nên việc thay đổi môi trường càng khó, rồi xây dựng mối quan hệ ngay từ đầu bởi về cấp phường phải gần dân, xử lý trực tiếp hơn, không đơn thuần dùng báo cáo, văn bản là được. Thử thách nữa là tình hình ở Trung Liệt cũng tương đối phức tạp khi sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền chưa chặt chẽ, nhiều đơn thư khiếu nại… Sau khi tìm hiểu từng đặc điểm cụ thể địa phương, Bí thư Trần Thị Minh Xuân đã trực tiếp xuống cơ sở sinh hoạt chi bộ, nắm bắt nguyện vọng, tư tưởng của đảng viên và Nhân dân, nhất là liên quan đến đời sống dân sinh. Đối với những vấn đề mới phát sinh đều được đưa ra họp bàn tại hội nghị giao ban Đảng ủy rồi chỉ đạo cụ thể, cùng với UBND, công an phường và các đoàn thể để có phương án giải quyết.
Một đoạn phố Hoàng Cầu.       Ảnh: Quỳnh Linh
Một đoạn phố Hoàng Cầu. Ảnh: Quỳnh Linh
Với cách làm vừa sát sao, vừa kịp thời như vậy nên chỉ trong thời gian ngắn, tình hình địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hai năm liền, Đảng bộ phường đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu của quận; chỉ tiêu thu ngân sách đều đạt và vượt; một số dự án trọng điểm trên địa bàn được hoàn thành như GPMB dự án La Thành - Láng, Trường Mầm non công lập Hoa Sen, cầu vượt cho người đi bộ trên phố Thái Hà. Khi nói về những kết quả ấy, Bí thư Trần Thị Minh Xuân cười tươi: "Đây là công sức của tập thể, của tinh thần đoàn kết cao" và cho rằng chính việc luân chuyển cán bộ đã tạo khí thế mới, cách làm mới. "Trước kia mình xử lý công việc chủ yếu bằng văn bản, giấy tờ, về đây vỡ vạc ra nhiều điều, có trực tiếp giải quyết ở cơ sở mới thấy khó khăn, cần phải đầu tư thời gian, công sức để những chủ trương được triển khai phù hợp, hiệu quả" - bà Xuân chia sẻ.

Bước đột phá

Xác định điều động, luân chuyển là nhiệm vụ trọng tâm để đào tạo, bồi dưỡng và chủ động nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ,  nên từ năm 2013 đến nay, Quận ủy Đống Đa đã điều động, luân chuyển 31 cán bộ giữa các phòng ban chuyên môn, giữa quận và cơ sở. Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Đỗ Văn Hương cho biết, công tác này được làm đảm bảo tính khoa học, linh hoạt, vừa dân chủ, vừa công khai. Các đồng chí trong diện điều động, luân chuyển đều được lãnh đạo quận gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu nguyện vọng. Cũng có cán bộ bày tỏ tâm tư băn khoăn, ngại công việc mới, môi trường mới, nhưng sau khi được phân tích, giải thích đã yên tâm, phấn khởi nhận nhiệm vụ. Tiếp đó, danh sách cán bộ đưa ra thảo luận tại hội nghị của Ban Thường vụ Quận ủy và thực hiện bỏ phiếu kín với từng trường hợp. Những trường hợp luân chuyển vừa qua đều đạt 100% phiếu nhất trí, đồng thuận.

Cũng theo ông Đỗ Văn Hương, với cách làm bài bản, có lộ trình, không ít địa bàn trước đây hệ thống chính trị tương đối phức tạp, quan hệ giữa Đảng và chính quyền có "độ vênh" nhất định, hoặc tình hình địa phương nhiều năm chỉ ở chế độ "bình bình", sau khi lãnh đạo mới nhận nhiệm vụ đã tạo sự chuyển biến tốt, công việc "đều tay" hơn. Như tại phường Kim Liên, phường Trung Liệt, đều đạt kết quả khá toàn diện trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị… Đây là những tiền đề quan trọng để quận tiếp tục triển khai công tác điều động, luân chuyển cán bộ trong thời gian tới.