Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều “giản dị” từ Việt Nam làm sửng sốt cả thế giới

Chia sẻ Zalo

Chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều điều “giản dị” làm sửng sốt cộng đồng trong nước và thế giới.

Xin ví dụ:

Đầu năm 2016, tổ chức sách kỷ lục Guinness đã trao tặng danh hiệu “Ứng dụng đầu tiên bị gỡ bỏ sau khi đứng trên top của App Store cho Nguyễn Hà Đông, tác giả game Flappy Bird nổi tiếng. Dù đây là kỷ lục khác thường và chưa có tiền lệ nhưng đã khẳng định sự thành công của giới trẻ Việt Nam được thế giới ghi nhận. Bắt đầu từ năm 2014, game di động Flappy Bird mới khiến dư luận dậy sóng.
Điều “giản dị” từ Việt Nam làm sửng sốt cả thế giới - Ảnh 1
Tuy nhiên, Nguyễn Hà Đông đã quyết định “khai tử” tựa game này, cho dù Flappy Bird vẫn đứng hàng đầu các ứng dụng được tải nhiều nhất trên cả App Store lẫn Google Play. Nguyễn Hà Đông cũng là một trong 30 người có mặt trong danh sách “30 under 30” do Tạp chí Forbes Việt Nam lựa chọn.

“Nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam” là cái tên mà báo chí nước ngoài gọi cô gái người Việt, Thủy Trương (tên đầy đủ Trương Thanh Thủy) bởi cô là người Việt đầu tiên có ứng dụng được công ty tại thung lũng Silicon (Mỹ), mua với giá triệu đô. Tốt nghiệp Đại học Nam California nhưng Thủy quyết định khăn gói trở về quê hương để phát triển sự nghiệp.

Trong thời gian mở công ty sữa chua ở Biên Hoà, Thủy cộng tác với một bạn mở Công ty GreenGar, chuyên phát triển phần mềm và ứng dụng cho điện thoại thông minh, đặt trụ sở TP HCM. Whiteboard, một trong những ứng dụng nổi bật nhất mà công ty Thủy từng phát triển, đạt 9 triệu lượt tải trong 4 năm đầu kể từ khi ra mắt. Ứng dụng này được các sinh viên tại nhiều trường học ở hơn 100 quốc gia sử dụng. Lần thứ ba khởi nghiệp, Thủy cho ra đời phần mềm nhắn tin xã hội Tappy – được coi là thành công lớn nhất của cô gái 29 tuổi này...

Một cô gái khác cũng khá đáng nể về thành tích của mình là Trần Thị Khánh Trang. Trang đã được tạp chí Mỹ vinh danh “Top 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới” (Top 100 Leading Global Thinkers 2015). Sau khi học tập tại Mỹ, Trang đã quyết định về nước lập nghiệp. Từ rơm rạ ngoài đồng, Trang đã tìm ra được giải pháp cải thiện tình trạng đốt rơm rạ tràn lan ở những vùng nông thôn, dự án về nông nghiệp đã ra đời.

Năm 2015, Trang được tổ chức TED chọn làm thành viên chính thức và được Tạp chí Foreign Policy của Mỹ chọn vào nhóm 13 nhà quản lý thuộc 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới (Top 100 Leading Global Thinkers).

Theo đánh giá của tạp chí Mỹ, nữ CEO trẻ tuổi này không chỉ nhìn ra lợi ích của việc trồng nấm, tăng thu nhập, giảm khí thải độc hại mà còn có tầm nhìn về cơ hội kinh doanh nấm tại Việt Nam.

Mới hay, để có thành công, trước hết phải có đam mê cống hiến và sáng tạo.

Mới hay, thị trường trong nước bao giờ cũng là “bà đỡ” cho thị trường ngoài nước.

Mới hay, ở đâu cũng có cơ hội thành công, không cứ ở nước ngoài!