Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều tra việc lấp sông Hồng để lấn chiếm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên quan đến vụ đổ trộm phế thải lấp sông Hồng, lấn chiếm đất trái phép tại: “Xưởng sản xuất thực nghiệm vật liệu sinh thái thân thiện môi trường”,

KTĐT - Liên quan đến vụ đổ trộm phế thải lấp sông Hồng, lấn chiếm đất trái phép tại: “Xưởng sản xuất thực nghiệm vật liệu sinh thái thân thiện môi trường”, địa chỉ tại 87 Nguyễn Khiết, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, PV ANTĐ đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo UBND phường sở tại về vấn đề này. Thật ngạc nhiên khi lãnh đạo chính quyền địa phương chưa ai hay biết về sự việc này.

Có thể ngăn chặn sớm

Trao đổi với PV ANTĐ về các biện pháp phòng, chống nạn đổ trộm rác, phế thải ra sông Hồng, ông Lê Quang Vân - Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân cho biết: Được sự đồng ý của lãnh đạo cấp trên, vừa qua, UBND phường Phúc Tân đã có chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các cá nhân, tổ chức đóng góp công sức làm một tuyến đường rộng từ 5-7m, chạy dọc bờ vở sông Hồng, ngăn chặn nạn đổ trộm phế thải xuống lòng sông.

Quá trình thi công tuyến đường, đoạn qua Xí nghiệp Vật liệu xây dựng và vận tải Phúc Xá, thuộc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà, địa chỉ tại 87 Nguyễn Khiết, đơn vị thi công gặp một mương thoát nước to cần phải san lấp. Cùng thời điểm này, UBND phường nhận được một văn bản của Xí nghiệp Vật liệu xây dựng và vận tải Phúc Xá, báo cáo, đề xuất với UBND phường cho phép chặt, phát cây dại ở phần đất sát mép sông Hồng và san lấp mặt bằng khu vực Xưởng sản xuất thử nghiệm gạch sinh thái thân thiện môi trường - nằm trong khuôn viên xí nghiệp và báo cáo về việc: Tập kết phế thải làm nguyên liệu sản xuất.

Báo cáo nêu rõ: Công ty cổ phần phần Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà đã thành lập xưởng sản xuất thử nghiệm gạch sinh thái, đáp ứng nhu cầu xã hội và xây dựng nội bộ. “Được sự nhắc nhở sát sao của UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Phúc Tân và Hạt quản lý đê điều số 2, chúng tôi xin chấp hành tốt và cam kết không đổ tràn, rơi phế thải nguyên liệu xuống phía bờ vở sông, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Đê điều đã ban hành. Nếu sai, công ty chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Ngày 19-3-2011, một ngày sau khi nhận được báo cáo của Xí nghiệp Vật liệu xây dựng và vận tải Phúc Xá, CAP Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở, phát hiện: Xí nghiệp này đã san lấp lấy mặt bằng so với lịch sử để lại ra ngoài bờ vở sông Hồng khoảng hơn 1m2, dùng để phơi gạch. Cơ quan công an xác định: Trong quá trình sản xuất gạch sinh thái, công ty đã để rơi vãi một số nguyên liệu và gạch hỏng ra bờ vở sông Hồng. Kết thúc buổi làm việc, đại diện cơ sở đã viết cam kết, hứa dọn sạch mặt bằng và không tiếp tục lấn chiếm bờ sông Hồng…

Có thể nhận thấy, hành vi lấp sông Hồng để chiếm dụng đất của Xí nghiệp Vật liệu xây dựng và vận tải Phúc Xá được các lực lượng chức năng phường Phúc Tân kiểm tra, phát hiện từ khi sự việc mới manh nha, song không hiểu vì lý do gì vi phạm trên vẫn tiếp tục mà không bị xử lý triệt để.

Sẽ xác minh, xử lý nghiêm

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm trong buổi làm việc với chúng tôi khi tiếp nhận thông tin vụ việc trên. Theo ông Vĩnh, UBND phường chưa phát hiện, bắt quả tang vụ đổ trộm đất phế thải nào xuống lòng sông Hồng tại khu vực đường Nguyễn Khiết. Cuối năm 2010, đầu năm 2011 vừa qua, UBND phường phối hợp với các lực lượng liên quan chỉ xử lý một vụ đổ đất phế thải ra bờ vở sông Hồng, thuộc khu dân cư số 7, phường Phúc Tân - đoạn cuối đường Hàm Tử Quan. “Tôi sẽ cử cán bộ chuyên trách đi kiểm tra ngay thông tin báo nêu, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - Chủ tịch UBND phường khẳng định.

Liên quan đến vụ việc này, hiện Báo đã cung cấp một số thông tin, tài liệu liên quan cho Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội để xem xét, xử lý. “Hành vi lấp sông Hồng lấn chiếm đất tại cơ sở này là quá rõ, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan lên kế hoạch kiểm tra trong thời gian sớm nhất” - một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường cho biết.