KTĐT - Nếu như cuối năm trước và đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp phải hoãn lại dự định chào bán cổ phần và niêm yết do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thì đến nay những doanh nghiệp này đã có điều kiện để tái khởi động các kế hoạch.
Thị trường chứng khoán ghi nhận các công ty đại chúng dồn dập đưa cổ phiếu lên niêm yết, một dấu hiệu cho thấy tình hình kinh tế đã được cải thiện.
Trong vòng gần một tháng trở lại đây, sàn Hà Nội đón nhận khoảng 10 cổ phiếu lên giao dịch, cùng với hàng chục lượt doanh nghiệp nộp hồ sơ xin niêm yết và được chấp thuận về nguyên tắc. Tại sàn TP HCM, hoạt động lên sàn có phần kém sôi động hơn, nhưng một số doanh nghiệp cũng rục rịch thông báo đấu giá cổ phần.
Tuần này, dự kiến một loạt doanh nghiệp sẽ chào sàn, trong đó riêng ngày 1/12, HNX sẽ đón nhận 4 mã mới, gồm TV3 của Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 3, TKC của Công ty Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ, LM3 của Công ty Lilama 3 và VIG của Công ty chứng khoán Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VICS).
Mã VIG của VICS sẽ là cổ phiếu chứng khoán thứ tám trên thị trường, với khối lượng lưu hành thực tế khoảng 2 triệu cổ phiếu, do cổ đông lớn bị hạn chế chuyển nhượng. TKC đưa lên giao dịch hơn 6 triệu cổ phiếu, LM3 là trên 5 triệu. Cũng trong tuần, cổ phiếu TTR của Công ty Du lịch Thương mại và Đầu tư cũng sẽ chào sàn ngày 4/12. Trước đó, các mã MHL, BXH, GLT đã lần lượt được đưa lên giao dịch vào cuối tháng này.
Cũng trong thời gian gần đây, một loạt doanh nghiệp nộp hồ sơ và được HNX chấp thuận về nguyên tắc, như Công ty Sadico Cần Thơ, đăng ký niêm yết 5 triệu cổ phiếu, DIC Đồng Tiến 2,4 triệu cổ phiếu, Điện nước lắp máy Hải Phòng 1,6 triệu, và Công ty Chứng khoán Phố Wall 10,8 triệu. Ngoài ra, Công ty Vật liệu Xây dựng Bến Tre, Vận tải Biển Bắc, Thế Giới số Trần Anh, Hồng Hà Long An, và Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn đã nộp hồ sơ xin niêm yết. Trong đó, Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn hứa hẹn sẽ cung ứng nguồn hàng lớn cho thị trường, khi dự kiến niêm yết 100 triệu cổ phiếu.
Nếu như cuối năm trước và đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp phải hoãn lại dự định chào bán cổ phần và niêm yết do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thì đến nay những doanh nghiệp này đã có điều kiện để tái khởi động các kế hoạch. Cách đây một năm, không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu có một năm liền kề có lãi để lên sàn Hà Nội, hay 2 năm liền kề lãi để niêm yết tại sàn TP HCM. Sau thời gian kinh tế ra khỏi suy giảm, nhiều doanh nghiệp đã đáp ứng được điều kiện lãi một năm, nhưng chưa nhiều đơn vị có lãi trong 2 năm liền kề. Ngoài ra, để niêm yết trên HOSE, doanh nghiệp cũng cần có vốn điều lệ tối thiểu 80 tỷ đồng. Vì thế, số lượng cổ phiếu chào sàn Hà Nội vẫn vượt trội so với sàn TP HCM.
Theo ông Bùi Đình Như, Giám đốc khối Tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty Chứng khoán Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, một lý do khác khiến nhiều doanh nghiệp muốn đẩy nhanh việc lên sàn là nhằm huy động vốn cho các kế hoạch kinh doanh và củng cố thương hiệu trong bối cảnh kinh tế dần phục hồi. Huy động vốn từ thị trường chứng khoán, doanh nghiệp tránh được các vấn đề như khó tiếp cận vốn ngân hàng cũng như áp lực trả nợ. Mặt khác, theo lộ trình của Ủy ban Chứng khoán, tới đây các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết cũng sẽ lên sàn UPCoM. Vì thế, những công ty đủ điều kiện lên sàn niêm yết đẩy nhanh tiến độ, tránh việc sau này phải làm thêm một bước nữa, là chuyển từ UPCoM lên thị trường niêm yết.
Theo dõi hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp đại chúng sắp niêm yết, ông Bùi Đình Như nhận định, hoạt động lên sàn của doanh nghiệp sẽ tiếp tục sôi động trong đầu năm 2010 cùng quá trình hồi phục kinh tế. Đây dự kiến cũng là nguồn hàng lớn cho thị trường chứng khoán.