Dịp giáp Tết: Cơ sở sản xuất, kho hàng… coi chừng “bà hỏa” ghé thăm

Đạt Lê - Tuấn An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giáp Tết là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động nhất. Các cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp… tập kết nguyên liệu, máy móc, hàng hóa nhiều chuẩn bị cho nhu cầu thị trường. Cuối năm lại trùng với mùa hanh khô. Những yếu tố này tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao.

Cháy do sự cố điện, bất cẩn của người dân chiếm tỷ lệ cao

Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) Bộ Công an, trong tháng 10/2022, toàn quốc xảy ra 104 vụ cháy làm chết 2 người, bị thương 7 người, thiệt hại về tài sản ước tính 31,9 tỷ đồng; xảy ra 266 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân… Tình hình nổ: xảy ra 2 vụ, làm 1 người chết và 1 người bị thương và thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 50 triệu đồng.

Vụ cháy lớn tại kho lán tạm ở chợ 365, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội đã thiêu rụi khoảng 800m2 và làm chết 1 người.
Vụ cháy lớn tại kho lán tạm ở chợ 365, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội đã thiêu rụi khoảng 800m2 và làm chết 1 người.

Về địa bàn xảy ra cháy, sự cố cháy, thành thị chiếm 70,27%; nông thôn chiếm 29,73%; các vụ cháy vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phương tiện giao thông. Nguyên nhân các vụ cháy, đã điều tra làm rõ nguyên nhân 46/104 vụ. Trong đó: do sự cố hệ thống, thiết bị điện 33 vụ (chiếm 31,73%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 8 vụ (chiếm 7,69%); do sự cố kỹ thuật 2 vụ (chiếm 1,92%) và do nguyên nhân khác 3 vụ (chiếm 2,88%). Đang tiếp tục điều tra 58/104 vụ (chiếm 55,77%). Về nguyên nhân xảy ra các vụ sự cố cháy chủ yếu do sự cố thiết bị điện, sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và do đốt cỏ, rác.

 

Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114, công an nơi gần nhất đồng thời tổ chức bằng mọi cách dập cháy và cứu người theo phương án.

Tại địa bàn Hà Nội, thống kê của Công an TP cho thấy, qua 1 tháng triển khai thực hiện tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH, từ ngày 15/10 đến ngày 12/11, Công an TP đã kiểm tra 65.887 cơ sở (đạt 50% chỉ tiêu toàn đợt), ban hành 3.522 quyết định xử phạt/4.431 hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt gần 29 tỷ đồng. Tham mưu chính quyền các cấp ban hành 18.520 văn bản kiến nghị; tạm đình chỉ hoạt động 643 cơ sở, đình chỉ hoạt động 339 cơ sở... Hiện nay, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn Thủ đô là 132.178 cơ sở (tăng 3.568 cơ sở so với thời điểm 15/10/2022), bao gồm các cơ sở thuộc các phụ lục I, II, III Nghị định 136/2020/NĐ-CP; cơ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; cơ sở trong khu dân cư và được phân cấp quản lý theo quy định.

Bước vào mùa hanh khô, trong tháng 10, 11/2022, tại Hà Nội đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy. Mới đây, rạng sáng 16/11, ngọn lửa bất ngờ bốc lên từ ki-ốt đồ điện dân dụng gần chợ Nguyễn Công Trứ, phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đội Cảnh sát PCCC & CNCH, quận Hai Bà Trưng đã điều 2 xe chuyên dụng xuống hiện trường cùng lực lượng công an chi viện và nhiều cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Tuy nhiên, sau hàng giờ cháy, ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ hàng hoá tại ki-ốt.

Trước đó, sáng ngày 25/10 một đám cháy lớn xảy ra tại kho xưởng chứa đệm mút, vải, nguyên liệu sơ chế dầu cá... ở địa bàn xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Diện tích bị cháy là kho chứa hàng với tổng diện tích hơn 1.400m2 gồm: 1 kho vải, 1 kho catton, 1 kho mỡ cá basa...; ngày 20/10 xảy ra vụ cháy lớn tại kho lán tạm ở chợ 365, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi khoảng 800m2 và làm chết 1 người là bảo vệ...

Xây dựng thế trận phòng, chống "giặc lửa" đạt hiệu quả từ cơ sở

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an TP Hà Nội, đơn vị đã chỉ đạo nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH thuộc công an các quận, huyện, thị xã triển khai tập trung vào chuyên đề an toàn cháy nổ mùa hanh khô có nội dung chuyên sâu về các thiết bị điện, thắp hương, đốt vàng mã... Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát Thủ đô đẩy mạnh hướng dẫn, khuyến cáo các chủ cơ sở, người dân sử dụng thiết bị điện có nguồn gốc rõ ràng; sắp xếp hàng hóa bảo đảm khoảng cách an toàn; thực hiện đốt vàng mã, thắp hương đúng nơi quy định…

Hiện trường vụ cháy kho xưởng ở địa bàn huyện Thanh Oai.
Hiện trường vụ cháy kho xưởng ở địa bàn huyện Thanh Oai.

Tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho hay, công an quận đã vận dụng mô hình “4 lớp” trong công tác PCCC. Lớp đầu tiên là hộ gia đình, đối tượng phát hiện cháy đầu tiên, kế đến là những người thường xuyên có mặt tại địa phương, từ người chạy xe ôm đến người bán hàng xén; lớp tiếp theo là lực lượng dân quân, bảo vệ dân phố và cuối cùng là Cảnh sát PCCC & CNCH, lực lượng công an, quân đội phụ trách địa bàn, các ban, ngành, đoàn thể… “Tất cả 4 lớp quân, dân kết hợp đều được tập huấn và có sự phối hợp chặt chẽ khi có sự cố. Nhờ đó, trên địa bàn kết quả số vụ cháy do lực lượng tại chỗ xử lý chiếm tỷ lệ cao, thiệt hại do cháy nổ giảm thiểu đến mức thấp nhất”, Thượng tá Đỗ Anh Quyến cho biết.

Theo Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nếu mỗi hộ dân, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh... đều có ý thức cao trong phòng, chống cháy, nổ thì sẽ tạo được một thế trận phòng, chống "giặc lửa" đạt hiệu quả từ cơ sở. Tùy vào đặc thù địa bàn, công an các quận, huyện, thị xã có những hướng dẫn cụ thể với người dân để sao cho vừa phát huy phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), vừa để mỗi người dân chính là một người lính cứu hỏa ngay từ khi đám cháy mới phát sinh...

Làm gì để hạn chế cháy nổ?

Nhằm đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất đặc biệt là tại chợ, trung tâm thương mại, cụm công nghiệp… song song với việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định an toàn PCCC, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã đưa ra nhiều khuyến cáo phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế thấp nhất các vụ việc cháy nổ có thể xảy ra.

Đội Cảnh sát PCCC và CNCH- Công an quận Tây Hồ tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chấp hành an toàn PCCC tại gia đình, cơ sở kinh doanh. Ảnh: An Tuấn
Đội Cảnh sát PCCC và CNCH- Công an quận Tây Hồ tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chấp hành an toàn PCCC tại gia đình, cơ sở kinh doanh. Ảnh: An Tuấn

Cụ thể, mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong một ngày với số lượng tối thiểu; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng đã quy định. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm cháy như xăng dầu, cồn, ga và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà chợ. Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp cần thiết phải sử dụng lửa, nguồn nhiệt cần bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ và trung tâm thương mại.

Cùng với đó, cần tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh. Để hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, chấn lưu đèn nê - ông, bảng điện tối thiểu 0,5m. Không sử dụng bàn là điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi; không dùng bóng điện sợi đốt để sấy hàng hóa; sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng.

Chợ, trung tâm thương mại có diện tích vượt quá tiêu chuẩn (2.200m2/tầng) phải xây tường ngăn cháy, trường hợp không thể áp dụng được giải pháp trên thì lắp đặt màn nước ngăn cháy lan tại ví trí xây tường ngăn cháy. Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định. Không làm thêm mái che, mái vẩy cũng như không bố trí quầy sạp, bãi để xe và không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với các khu vực lân cận…

Để đề phòng, ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ có thể xảy ra trong dịp cuối năm, điều quan trọng nhất chính là việc chủ cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại… phải tự nâng cao ý thức chấp hành, thực hiện nghiêm quy định về PCCC.

 

Thời điểm hiện nay, miền Bắc đang bước vào mùa hanh khô, các đợt không khí lạnh sẽ kéo dài nên nhu cầu sử dụng thiết bị sưởi ấm trong gia đình tăng. Đối với các hộ gia đình, cần thường xuyên kiểm tra và sử dụng an toàn hệ thống điện, thiết bị điện; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt đặc biệt lưu ý khi sử dụng than, củi để sưởi ấm đề phòng nguy cơ bị ngộ độc, ngạt khói; chuẩn bị lối thoát nạn thứ 2, thứ 3 đề phòng cháy, nổ xảy ra...