Hiện nay, việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ qua điện thoại là hình thức được nhiều cá nhân và doanh nghiệp sử dụng khá phổ biến. Mặc dù có đôi lúc những quảng cáo này mang lại thông tin hữu ích nhưng việc liên tục nhận được cuộc gọi tiếp thị như vậy đã gây ra rất nhiều phiền toái cho người tiêu dùng.
Theo anh Nam (Cầu Giấy, Hà Nội), trong vòng 3 tháng trở lại đây, cứ cách một ngày là anh lại nhận được một cuộc gọi quảng cáo mua bảo hiểm hoặc làm thẻ tín dụng. Mặc dù đã liên tục từ chối nhưng nhưng DN trên vẫn liên tục gọi điện và mỗi lần gọi lại thay bằng một nhân viên khác nhau. Thậm chí đã không ít lần nổi cáu và nói gay gắt với bên gọi điện nhưng vài ngày sau lại tiếp tục bị "tra tấn" bởi các cuộc gọi tương tự.
Cùng ở trong tình trạng như vậy, chị Điệp (nhân viên văn phòng) cho biết, việc nhận những cuộc gọi quảng cáo dường như đã trở nên quá quen thuộc, hết từ gọi làm thẻ ngân hàng cho đến đăng ký sim 3G ... Đặc biệt, cùng là một dịch vụ nhưng các lần gọi đều sử dụng những số khác nhau và tần suất cứ cách ngày là gọi tới một lần. Nhiều lúc thấy số lạ gọi đến là ngại không muốn nghe, chị Điệp nói.
Với hầu hết người tiêu dùng đều chọn cách chấp nhận "sống chung" với những quảng cáo làm phiền như trên bằng cách dập ngay máy khi nhận được cuộc gọi hoặc thậm chí là chặn những số tương tự gọi điện. Mặc dù vậy, các biện pháp này đều không có mấy tác dụng khi chỉ một thời gian ngắn sau, các cuộc gọi quảng cáo tiếp tục quay trở lại "hành hạ" người nghe.
Trước vấn đề này, ông Phạm Hoàng Long chuyên viên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, trong trường hợp liên tục nhận được các cuộc gọi quảng cáo không mong muốn từ phía DN, cá nhân kinh doanh thì người tiêu dùng có thể yêu cầu các cơ quan chức năng để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định rõ, việc thực hiện hành vi quảng cáo, tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng là hành động vi phạm và sẽ bị xử lý, ông Long khẳng định.
Không những thế, nếu phía DN cố tình thu thập dữ liệu cá nhân mà chưa nhận được sự đồng ý của người tiêu dùng rồi sau đó sử dụng để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thì cũng là vi phạm, ông Long cho biết thêm.
Được biết, tình trạng người tiêu dùng bất ngờ nhận được các cuộc gọi điện quảng cáo từ những DN mà mình chưa bao giờ sử dụng dịch vụ hoặc có liên quan đang diễn ra khá thường xuyên và là tình trạng chung của hầu hết những người đang bị làm phiền qua điện thoại dạng này. Tuy nhiên khi người tiêu dùng yêu cầu phía DN bỏ số điện thoại ra khỏi danh sách quảng cáo thì luôn không được thực hiện.
Theo ông Long, để hạn chế việc nhận được các cuộc gọi quảng cáo như trên, người tiêu dùng cần hạn chế cung cấp các thông tin cá nhân của mình. Có thể thực hiện điều này bằng cách không phát tán tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ email, số điện thoại… ra bên ngoài đặc biệt trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin mua bán hàng hóa khi không thật sự cần thiết. Đặc biệt, hạn chế việc cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không liên quan và khi chưa biết được mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin.
Ngoài ra khi thực hiện việc giao kết hợp đồng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần đọc kỹ các nội dung của hợp đồng, đặc biệt lưu ý điều khoản cung cấp và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Cần đề nghị tổ chức, cá nhân kinh doanh cam kết thực hiện đúng mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng và chỉ được thực hiện hoạt động này khi được người tiêu dùng đồng ý, ông Long chia sẻ thêm.
Ảnh minh họa
|