Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

DN thực hiện biển quảng cáo không phép hết cửa lách luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng dựng biển quảng cáo trái phép khiến những tấm biển thò ra thụt vào, cái to cái nhỏ thậm chí tầm nhìn giao thông của các phương tiện lưu thông đường phố vẫn ngang nhiên tồn tại.

DN thực hiện biển quảng cáo không phép hết cửa lách luật - Ảnh 1TP Hà Nội đang ráo riết thực hiện kế hoạch dọn “rác trời”, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến túi tiền của DN thực hiện quảng cáo. Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Trưởng Đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội về cách xử lý trước tình huống “lách luật” của DN vi phạm.

Con số chờ xử lý sẽ còn hơn 300

Ông đánh giá thế nào về tình trạng biển, bảng vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP hiện nay?

- Trong những năm gần đây, mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn cùng các văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo, tuy nhiên, hiện tượng lắp, dựng bảng quảng cáo không đúng quy định vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là 2 loại hình: Bảng quảng cáo đứng một cột và bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách. Theo thống kê của Thanh tra liên ngành, từ sau khi Luật Quảng cáo năm 2013 có hiệu lực thi hành đến ngày 30/5/2016, trong khi TP chỉ chính thức cấp mới cho 3 bảng quảng cáo thì đã có 155 bảng quảng cáo đứng độc lập (tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Sóc Sơn…) và 149 bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách vi phạm các quy định trong hoạt động quảng cáo.

Hơn 300 bảng, biển đã được lập hồ sơ, được đánh giá là vi phạm các hình thức nào của hoạt động quảng cáo?

- Hơn 300 bảng quảng cáo này vi phạm các quy định trong hoạt động quảng cáo chủ yếu dưới hình thức sau: DN thuê đất (vị trí) của tổ chức, cá nhân để lắp dựng bảng quảng cáo trái phép, không xin phép của các cơ quan có thẩm quyền; DN không được Sở GTVT, Sở VH&TT tiếp tục gia hạn.

Sau khi có thông tin UBND TP chỉ đạo Đoàn thanh tra liên ngành quyết liệt thão dỡ các biển quảng cáo đứng độc lập vi phạm, nhiều DN đã tìm cách đối phó cắt sửa biển từ quảng cáo tấm lớn trên 40m2 xuống dưới 40m2. Khi diện tích biển không còn diện quảng cáo tấm lớn đứng độc lập thì có phải tháo dỡ nữa không?

- Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Đoàn Thanh tra liên ngành thống nhất nguyên tắc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn là xử lý, tháo dỡ toàn bộ bảng quảng cáo (khung, bảng, cột) vi phạm, không tính diện tích bảng quảng cáo. Nhằm đưa hoạt động quảng cáo vào trật tự, nền nếp, Đoàn Thanh tra liên ngành không chỉ tập trung xử lý 155 bảng quảng cáo đứng độc lập và 149 bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách đã thống kê như trên, mà còn xử lý, tháo dỡ các bảng quảng cáo vi phạm khác ở giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt là những bảng quảng cáo vi phạm mới phát sinh sau ngày 31/5, Đoàn Thanh tra liên ngành sẽ tiếp tục lập hồ sơ, yêu cầu tháo dỡ.

Doanh nghiệp vi phạm phải chịu chi phí

Quá trình tháo dỡ biển quảng cáo rất phức tạp, bởi vì liên quan đến giá trị tài sản lớn của DN quảng cáo. Trong khi đó, Quy hoạch quảng cáo ngoài trời của Thủ đô ban hành tại Quyết định số 348/QĐ-UBND đã hết hiệu lực từ ngày 32/12/2015. Quy hoạch mới lại chưa ra đời. Phải chăng, xử lý biển vi phạm ở thời điểm này là cơ quan quản lý đang làm khó cho hoạt động quảng cáo?

- Từ năm 2013, sau khi Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo có hiệu lực, Sở VHTT&DL Hà Nội (nay là Sở VH&TT) đã tiến hành khảo sát, xây dựng dự thảo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực liên quan đến nhiều sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; các quy hoạch chung của Thủ đô cũng có nhiều thay đổi, nên Sở VH&TT nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng hơn trước khi tham mưu, đề xuất UBND TP ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Tuy nhiên, không vì thế mà cơ quan quản lý Nhà nước gây khó khăn cho các DN cũng như hoạt động quảng cáo. Hoạt động quảng cáo không chỉ bằng hình thức bảng quảng cáo ngoài trời mà còn nhiều hình thức khác như: Quảng cáo trên báo (báo viết, báo hình); internet; trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao… nên DN không bị khó khăn trong quảng cáo. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, ngành văn hóa luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho các DN, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhưng sẽ xử lý kiên quyết đối với những vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo sai quy định ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan, trật tự đô thị trên địa bàn TP.
Biển quảng cáo tấm lớn vi phạm tại bãi trông giữ xe Ngọc Khánh, đường Liễu Giai. Ảnh: Thanh Hải
Biển quảng cáo tấm lớn vi phạm tại bãi trông giữ xe Ngọc Khánh, đường Liễu Giai. Ảnh: Thanh Hải
Trên thực tế, năm 2007, Hà Nội từng ra quân tháo dỡ biển, bảng vi phạm quảng cáo nhưng một thời gian vi phạm lại hoàn vi phạm. Chính vì vậy, nhiều DN quảng cáo đang hoài nghi về hiệu quả của Đoàn thanh tra liên ngành cấp TP lần này?

- Đoàn Thanh tra liên ngành được Chủ tịch UBND TP ra Quyết định thành lập, việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo không chỉ là việc riêng của một sở, ngành nào, mà là chủ trương của TP. Từ khi Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 23/6/2016 của UBND TP về việc thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành ban hành đến nay, Đoàn đã đồng thuận cao về các phương án xử lý bảng quảng cáo vi phạm.

Nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị Thủ đô, theo kế hoạch của Đoàn Thanh tra, toàn bộ số bảng quảng cáo vi phạm đã thống kê, lập hồ sơ sẽ bị yêu cầu tháo dỡ trong quý III/2016. Sau khi lập hồ sơ vi phạm, trong 1 tháng từ khi Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP về “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP” được ban hành, các tổ thanh tra liên ngành sẽ hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi các quận, huyện, DN thực hiện tự tháo dỡ các bảng quảng cáo vi phạm. Sau 1 tháng, nếu các quận, huyện, DN không chủ động tháo dỡ theo kế hoạch, Đoàn Thanh tra sẽ tham mưu, báo UBND TP chỉ đạo, lựa chọn đơn vị thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ bảng quảng cáo vi phạm (Toàn bộ chi phí cưỡng chế sẽ do DN vi phạm hoạt động quảng cáo chi trả, có thể bằng hình thức truy thu thuế DN theo quy định).

Xin cảm ơn ông!
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, tính đến cuối tháng 7/2016, UBND quận Cầu Giấy đã tháo dỡ được 11 nội dung quảng cáo, 2 công trình quảng cáo vi phạm tại phường Mai Dịch (trong số 23 bảng quảng cáo độc lập được Đoàn thanh tra lập hồ sơ vi phạm hoạt động quảng cáo trên địa bàn). Trên thực tế, hầu hết các biển quảng cáo mới được nâng cao, khai thác từ tháng 7/2015, các DN quảng cáo chưa thực hiện được nhiều hoạt động quảng cáo thương mại, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị của quận. Tuy nhiên, trước yêu cầu của lãnh đạo TP, chúng tôi vẫn yêu cầu các DN nghiêm túc chấp hành. Tuy nhiên, địa phương cũng mong muốn các ngành có liên quan đưa ra được giải pháp giải quyết hài hòa với những biển đang tồn tại, nhưng không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, có thể được phép xây dựng trong Quy hoạch sắp tới.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung

Theo con số thống kê sơ bộ, sau trận bão số 1 (ngày 28/7), toàn TP có gần 100 biển, bảng quảng cáo đứng độc lập, hộp đèn, biển hiệu bị gẫy, đổ. Nhiều tấm biển do chưa được cấp phép, không có cơ quan kiểm định chất lượng nên sớm chịu tác động của bão; rách nát, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị như biển quảng cáo độc lập tại bãi đỗ xe Ngọc Khánh (trên đường Kim Mã) và gần 10 biển quảng cáo tại huyện Phú Xuyên. Một số biển quảng cáo vi phạm trên đường Trần Thái Tông đã được tháo dỡ nội dung, còn trơ công trình xây dựng khung sắt, phần nào tạo ra sự tương phản với cảnh quan đường phố.