Sự kiện này được coi là tín hiệu về giảm căng thẳng giữa hai nước bởi thời gian vừa qua, mức độ đối địch leo thang tới mức có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Mọi dấu hiệu đều cho thấy hiện hai phía đều chủ động cùng nhau đi vào hòa dịu. Vì nhu cầu giữ thể diện và để không bị coi là yếu thế, cả hai phía đều rất thận trọng với việc xuống thang căng thẳng và đối đầu. Không đi cùng với bất cứ tuyên cáo nào có thể bị hiểu là thay đổi quan điểm hay điều chỉnh chính sách, Hàn Quốc chủ động đề nghị và Triều Tiên nhanh chóng chấp nhận nối lại tiếp xúc và đối thoại trực tiếp giữa hai bên. Thay cho tiến hành ngay cuộc thượng đỉnh liên Triều, Triều Tiên đề nghị và Hàn Quốc chấp nhận ngay phương châm đi từ thấp lên cao, bắt đầu từ cuộc gặp cấp chuyên viên để chuẩn bị cho cuộc gặp tiếp theo ở cấp bộ trưởng và sau đó mới là cấp cao nhất. Thiện chí và chủ ý xuống thang căng thẳng và giảm đối đầu đã rõ, nhưng cách thức thực hiện lại là dò bước để tiến. Làm như thế để có thể tiến hay thoái đều dễ dàng và chủ động, giữ được thể diện với bên ngoài và tránh được áp lực trong nội bộ. Nhưng cũng chính vì thế mà cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên sau thời gian dài chưa thể đưa lại kết quả với tác dụng của bước khai thông đột phá. Nó có ý nghĩa chính trị và tâm lý là chính. Nó cho thấy cả hai phía đã cài số lùi để thoát ra khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà họ đã xô đẩy nhau vào trong thời gian vừa qua. Động thái này đáng được khích lệ và coi là tích cực vì chỉ như vậy thì mới có thể chấm dứt được một cách êm thấm tình trạng leo thang căng thẳng và đối địch. Nhìn từ giác độ đó có thể lạc quan hơn về triển vọng diễn biến tình hình trên bán đảo trong thời gian tới, cho dù vẫn phải là lạc quan một cách rất thận trọng.