Sức ép đô thị hóa
Không gian kiến trúc cảnh quan làng nghề truyền thống cũng như các sản phẩm của làng nghề trên địa bàn Thủ đô đã minh chứng cho sự phát triển trường tồn của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Có thể kể đến như làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân, làng rau húng Láng, đậu phụ Mơ Táo làng Mai Động, làng cốm Vòng, làng đúc đồng Ngũ Xã… Không gian và sản phẩm các làng nghề này là biểu trưng văn hóa trong quá trình phát triển Thăng Long – Hà Nội, đã tạo nên ý nghĩa văn hiến, văn minh của đất kinh kỳ ngàn năm.
Tuy nhiên, trước sức ép của đô thị hóa đã làm gần như biến mất nhiều làng nghề và giờ đây, chỉ còn được nhắc đến trong hoài niệm. Có thể thấy rất rõ từ làng húng Láng, cốm Vòng, khi quy hoạch Hà Nội năm 1998, đều xác định để lại những ô đất, thửa ruộng để trồng húng, trồng lúa nếp. Tuy nhiên, sau quá trình đô thị hóa, làng trở thành phố, giá đất đai phi mã nên chính những chủ hộ của những thửa đất này đã sang nhượng đất hoặc xây dựng nhà cửa.
Từ năm 2002 – 2003, Sở QH-KT đã từng công bố thiết kế điển hình đối với một số làng nghề tiêu biểu nhằm gìn giữ, bảo tồn nhưng do bấp cập với các Luật nên đã không thực hiện được. Cụ thể, để bảo tồn được làng đào Nhật Tân, Hà Nội đã từng khuyến cáo định hướng các hộ gia đình có dưới 500m2 diện tích đất thì không được phân chia, bảo đảm giữ được đất trồng đào. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với Luật Đất đai chỉ quy định không được chia nhỏ đối với thửa đất dưới 20m2. Hay như làng hoa Ngọc Hà, đã từng có hẳn một thiết kế rất cụ thể về địa điểm, xác định mật độ để có vườn trồng hoa, nhưng trong thực tiễn dưới áp lực đô thị hóa, người dân vẫn bán hết đất, nhà cửa mọc lên san sát, không còn diện tích trồng hoa.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xem xét đổi mới nhận thức để có định nghĩa phát triển đô thị. Chúng ta đang đặt ra định hướng mỗi xã một sản phẩm, tại sao lại không đặt ra có sản phẩm của những làng rất đặc trưng trong khu vực nội đô Hà Nội? Làm được điều này sẽ nâng tầm sáng tạo của Thủ đô, có thể quảng bá rộng rãi các sản phẩm làng nghề đã làm nên hồn cốt của văn hóa đất kinh kỳ và nhất là vẫn có thể giữ được giá trị với đời sống hiện tại của những làng nghề truyền thống.
Quy hoạch phải đi đầu
Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, để bảo tồn các làng nghề, tạo bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội, bước đi đầu tiên cần phải có là quy hoạch chi tiết các làng nghề truyền thống trong nội đô lịch sử, phải xác định rõ khu vực đặc trưng và có hướng dẫn cụ thể chứ không đưa ra quy định khung. Muốn vậy, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù về quản lý khai thác đất đai, những giá trị văn hóa phi vật thể. “Hiện nay, Hà Nội chưa phê duyệt các quy hoạch phân khu trong khu vực nội đô lịch sử. Do đó cần phải rà soát, bảo đảm chất lượng và sớm phê duyệt các quy hoạch này” – TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Trương Văn Quảng cho rằng, bảo tồn làng nghề truyền thống, một loại hình di sản trong cấu trúc đô thị Hà Nội cần rất nhiều giải pháp nhưng việc cần làm ngay là khoanh định ranh giới làng để bảo vệ, tiến hành lập quy hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo xu hướng phát triển chung, tránh tình trạng bị mai một như làng đúc đồng Ngũ Xã, làng hoa Ngọc Hà… Trong trường hợp, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa mà không gian làng bị biến dạng, cần có giải pháp giữ lại hoặc phục hồi một khoảng không gian truyền thống để lưu giữ, giới thiệu những sản phẩm tinh xảo và công nghệ truyền thống để phục vụ công tác nghiên cứu và khách tham quan du lịch.
Các giải pháp về quy hoạch chi tiết các làng nghề, hơn lúc nào hết, cần được tập trung nguồn lực thực hiện một cách quyết liệt. Nếu không, các không gian ít ỏi của những làng nghề đang còn sót lại cũng sẽ sớm bị các không gian đô thị mới lấn át. Bài học từ việc cứu giữ làng đào Nhật Tân, từ năm 2004, TP đã dành một diện tích lớn đất đai trong khu đô thị Ciputra để bố trí làm công viên trồng và trưng bày hoa đào với các biện pháp công nghệ cao. Tuy nhiên, khu đất đến nay vẫn chỉ được xây hàng rào và quây tôn vì vướng GPMB.
Quy hoạch bảo tồn di sản phải là một quá trình đi cùng với quy hoạch cải tạo, xây dựng đô thị. Đó cũng chính là việc thực hiện triệt để quan điểm hội nhập tích cực di sản đô thị vào cuộc sống hiện đại ở mọi cấp bậc của công tác quy hoạch đô thị như nhiều nước trên thế giới đã làm. Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Trương Văn Quảng |