Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đoạn trường tàu xe sau Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những ngày qua, lượng hành khách trở lại làm việc sau khi về quê ăn Tết tăng đột biến khiến các bến tàu, bến xe quá tải.

KTĐT - Trong những ngày qua, lượng hành khách trở lại làm việc sau khi về quê ăn Tết tăng đột biến khiến các bến tàu, bến xe quá tải. Mua được vé tàu xe, nhưng cũng không ít hành khách rơi nước mắt vì khốn khổ, nhọc nhằn trong chuyện đi lại sau Tết.

 

Mệt vì chờ… tàu chậm

 

Tại ga Vinh, vào đêm mồng 4, rạng sáng mồng 5 Tết, hàng trăm hành khách nằm, ngồi la liệt chờ các đoàn tàu Thống Nhất bị chậm giờ. Hầu như chuyến tàu nào cũng bị chậm từ 1 - 2 tiếng so với thời gian khởi hành ghi trên vé, khiến cho hành khách mỏi cổ chờ dài.

 

May mắn sở hữu tấm vé tàu SE10, khởi hành lúc 22 giờ 59 phút đêm mồng 4 (tức ngày 6/2) từ Vinh ra Hà Nội, tôi cũng phải chịu cảnh chờ tàu như các hành khách khác trên ga Vinh. Giờ khởi hành của đoàn tàu SE10 tại ga Vinh là 22 giờ 59, nhưng bảng thông báo chuyến tàu SE10 bị trễ đến 11 giờ 20, sau đó lại được thông báo đến 0 giờ 20 đoàn tàu này mới về đến ga Vinh. Các đoàn tàu thống nhất SE2, SE4, SE8... trong đêm đó cũng đều bị muộn giờ. Cả đoạn đường từ cổng soát vé cho đến gần các đường ray la liệt cảnh hành khách nằm ngồi chờ tàu. Nhiều hành khách là trẻ em được bố mẹ bồng trên tay, hoặc trải chiếu nằm ngay giữa sân ga.

 

Anh Nguyễn Đăng Tuấn, công tác tại Cty Xây dựng Delta (Hà Nội) cho biết, vợ anh mang bầu được hơn 3 tháng nên muốn đi tàu cho khỏe. Anh phải chi tới gấp ba số tiền so với mệnh giá vé mới mua được vé giường nằm của "cò" ở ga Vinh. Gia đình anh sống cách thành phố Vinh gần 50km nên hai vợ chồng bắt taxi đến ga sớm, không ngờ tàu quá chậm khiến hai vợ chồng thêm mệt mỏi.

 

Và cảnh tàu chậm giờ liên tục diễn ra trong nhiều ngày cũng bởi sự quá tải của ngành đường sắt trong việc nỗ lực giúp hành khách thuận lợi đi lại vào dịp Tết. Đôi khi có những đoàn tàu xảy ra sự cố, gây tai nạn trong hành trình cũng làm chậm lịch trình của các chuyến tàu khác.

 

Đường dài vô tận

 

Đến 0 h30 rạng sáng mồng 5 Tết (tức ngày 7/2), đoàn tàu SE10 mới chuyển bánh tại ga Vinh, chậm hơn 1 tiếng rưỡi so với lịch trình của chuyến tàu. Tất cả các hành khách đều mệt mỏi, phờ phạc sau khi chờ tàu nên ai cũng nhanh chóng tỏa lên các toa tàu tìm chỗ ngồi của mình. Nhưng cũng có những hành khách chỉ mua được ghế phụ phải lang thang trên tàu. Đây là loại ghế vẫn được nhà ga bán thêm sau khi chuyến tàu hết vé chính. Khi lên tàu, hành khách có ghế phụ được phát một chiếc ghế nhựa nhỏ hoặc tuỳ nghi di tản trong toa được ghi trên vé. Lối đi lại trên tàu được coi là chỗ thích hợp nhất cho các hành khách mua vé ghế phụ nghỉ ngơi. Nhưng những hành khách này không thể nào ngồi yên một chỗ. Các xe chở hàng di động và nhiều người qua lại khiến họ cứ phải liên tục xách ghế di tản, và nơi thích hợp nhất là cạnh nhà vệ sinh hoặc chỗ nối giữa hai toa tàu.

 

Chị Nguyễn Thị Huyền, chỉ mua được vé ngồi ghế phụ trên chuyến tàu SE10 đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, kể: "Mệt nhất là khi ăn uống em ạ! Cả ban ngày và ban đêm, các xe bán hàng thường xuyên qua lại nên bọn chị cứ vừa ăn lại vừa xách ghế tránh xe, tránh người qua lại. Có khi phải ra phía đầu nhà vệ sinh mới đỡ hơn. Nhưng đó cũng là nơi tụ tập của nhiều hành khách đi vé phụ, chiếm một chỗ ở đó cũng không phải dễ. Ban đêm, khá nhiều người còn phải trải ni-lông, trải chiếu ra gần nhà vệ sinh để ngủ".

 

Khi qua lại giữa các toa, phải thật khéo léo và cẩn thận, tôi mới không giẫm lên tay chân, tóc tai của các hành khách này.

 

Vào dịp Tết, bên cạnh những háo hức, niềm vui được đoàn tụ cùng với gia đình thì canh cánh trong lòng mỗi người sống xa quê vẫn là chuyện gian truân tàu xe trước và sau Tết. Với tôi, quãng đường chỉ có 300km sao mà dài vô tận. Vậy mà vẫn có những hành khách ăn ngủ trên sàn tàu suốt chặng đường hơn 1.000km, thật gian nan!