Không nên dùng dằng
"Mục tiêu của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là để hệ thống hoạt động lành mạnh hơn. Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại khẳng định sẽ không để bất cứ ngân hàng nào đổ vỡ. Đó là một tư duy cần thay đổi. Nếu để an dân, tại sao không tuyên bố "sẽ không để bất cứ người dân nào mất tiền" thay vì nói "không có ngân hàng nào đổ vỡ"- Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đặt vấn đề.
Nhiều đại biểu cho rằng, muốn quá trình tái cơ cấu thành công, trước hết cần phải mạnh dạn, dứt khoát. "Càng trì hoãn sẽ càng tốn nhiều nguồn lực. Đà cải cách đã được xây dựng rồi, các bạn phải hành động nhanh chóng, đúng đắn và dứt khoát. Dùng dằng quá lâu, rất có thể sẽ phải trả giá đắt"- ông Sameer Goyal- đại diện Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cho rằng, quá trình tái cơ cấu cần quyết tâm chính trị cao, nhất quán, không bị ảnh hưởng bởi các nhóm lợi ích. "Trong tất cả các đổi mới, đổi mới về tư duy là quan trọng nhất. Ở một số nước, tái cấu trúc được tiến hành theo quy mô rộng, nghĩa là ngoài việc tái cấu trúc từng cấu phần riêng biệt như các ngân hàng thương mại, công ty tài chính… Ngân hàng T.Ư cũng được tái cấu trúc lại"- ông Sơn cho biết. Ba nguyên tắc cần được đảm bảo trong quá trình tái cấu trúc theo TS Sơn là phải đảm bảo niềm tin vào hệ thống ngân hàng; tốc độ cải cách hợp lý với chi phí tối thiểu và phải tôn trọng quy luật thị trường.
T.S Nguyễn Hồng Sơn Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế: Cẩn thận khi áp dụng kinh nghiệm của nước khác Trong quá trình phát triển kinh tế nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng, việc học hỏi kinh nghiệm của các nước là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần áp dụng một cách cẩn thận, khoa học và linh hoạt, sáng tạo. Kinh nghiệm tốt của nước này có thể là "thuốc độc" của nước khác. Một chiếc áo không thể vừa và hợp với tất cả mọi người. Đây là điều cần lưu ý. |
Ở một khía cạnh khác, TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhấn mạnh, việc tái cơ cấu phải đảm bảo các định chế tài chính hoạt động theo nguyên lý thị trường, minh bạch, công khai. Đặc biệt, hướng tới đoạn tuyệt với tư tưởng ngân hàng không bao giờ bị phá sản.
Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng là phải xây dựng được một hệ thống giám sát tài chính quốc gia đủ năng lực để phát hiện, ngăn ngừa các rủi ro.
Có cơ chế giám sát chặt chẽ
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi về việc tái cơ cấu ngân hàng theo hướng tăng cường quản lý Nhà nước lên hệ thống này hay tạo ra một hệ thống hoạt động cạnh tranh theo cơ chế thị trường. "Có vẻ như chúng ta đang nhùng nhằng giữa các mục tiêu này. NHNN can thiệp quá nhiều vào hệ thống ngân hàng thương mại"- một chuyên gia nói.
Trả lời câu hỏi này, T.S Vũ Viết Ngoạn cho rằng: "Chúng ta không thiên về bên nào cả. Cơ quan quản lý Nhà nước và chính bản thân các tổ chức tín dụng đều cần phải hoàn thiện và tự nâng cao năng lực của mình".
Theo ông Trương Đình Tuyển, vai trò của NHNN là đưa ra các chuẩn mực, giám sát, hỗ trợ quá trình tái cấu trúc. Còn quá trình tái cấu trúc có thành công hay không lại phụ thuộc nhiều vào chính những người trong cuộc là các ngân hàng thương mại.
Một cơ chế giám sát chặt chẽ là điều không thể thay thế. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần giảm thiểu tối đa sự méo mó. Tuy nhiên, phải có thời hạn và cách thức rút lui khỏi các biện pháp hành chính.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: Chuyển từ tư duy bị động sang chủ động Phải chuyển tư duy tái cơ cấu từ bị động sang chủ động. Nghĩa là quá trình này phải diễn ra liên tục do yêu cầu mới của sự thay đổi, phát triển chứ không phải chỉ khi khó khăn mới cần "xốc" lại mình. Có một thực tế đáng buồn tại Việt Nam là lúc khó khăn thì các doanh nghiệp, ngân hàng co lại. Còn khi thuận lợi thì lại bung ra như nấm sau mưa. Bởi vậy, quá trình tái cấu trúc cần có chiến lược tổng thể, không chỉ giải quyết vấn đề ngắn hạn, mà còn bền vững trong trung và dài hạn. |