Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp bán lẻ vượt khó

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu thị trường bán lẻ vẫn tăng và trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Năm 2021, cùng với chiến lược mở rộng thị phần, các DN bán lẻ đang bắt tay vào thực hiện nhiều đối sách thích ứng với sự chuyển mình của xu hướng tiêu dùng.

Hoạt động mua bán tại siêu thị Lotte Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Nỗ lực tăng trưởng
Trong khi nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế chao đảo trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn đứng vững, thậm chí là tiếp tục tăng trưởng. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tổng mức hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng mảng bán lẻ trực tuyến, tổng doanh thu tăng khoảng 16%. Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 904.500 tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế, các nhà bán lẻ trong nước đã nỗ lực không ngừng để duy trì tăng trưởng. Đại diện VinCommerce chia sẻ, với mọi đối tác, VinCommerce đều ký kết minh bạch và có chính sách giám sát nhân viên, đảm bảo hợp tác dựa trên nền tảng tin cậy, công bằng và hai bên cùng có lợi. Năm 2020, VinCommerce phục vụ 300 triệu lượt khách hàng, doanh thu đạt trên 31.000 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2019. Năm 2021, VinCommerce tiếp tục mở rộng mạnh mẽ mạng lưới điểm bán. Đây là tiền đề quan trọng để đến năm 2025, VinCommerce đạt mục tiêu sở hữu 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+ tại 63 tỉnh/thành với 10 triệu khách hàng thân thiết.

Theo Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, trước đây Co.opmart đã triển khai dịch vụ giao hàng tại nhà nhưng chỉ chiếm rất ít so với doanh số bán tại các địa điểm siêu thị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch vụ giao hàng tận nhà của đơn vị lại tăng đáng kể, từ chỗ chỉ có khoảng 30 - 40 đơn hàng/ngày thì nay có những ngày trên 100 đơn hàng. Để kích cầu nhu cầu mua sắm của khách hàng, đơn vị áp dụng chế độ free ship với những đơn hàng từ 200.000 đồng ở khu vực nội thành.

Thích ứng với biến đổi thị trường

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, dịch Covid-19 đã định hình lại lối chơi của các DN bán lẻ Việt Nam với các thay đổi quan trọng. Chẳng hạn, các DN bán lẻ phải tinh gọn và tinh chỉnh mô hình tại các TP lớn, mở rộng thị trường ra vùng nông thôn vì hiện vẫn còn khá mỏng và chưa được khai thác nhiều. Ngoài ra, người tiêu dùng có xu hướng trải nghiệm mua sắm và yếu tố tiện lợi nên nếu các siêu thị không có gì mới, khách hàng sẽ chuyển sang chỗ khác.

Nhận thức rõ tác động của dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu dùng thay đổi, ngành bán lẻ đã nhanh chóng có các giải pháp thích ứng để phát triển. Cụ thể, cùng với việc tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng hệ thống phân phối, bảo đảm chất lượng hàng hóa với giá cả hợp lý, các DN bán lẻ đã đẩy mạnh chuyển đổi số. Đơn cử như Tập đoàn Masan đã chuyển đổi chiến lược từ điểm mua sắm thuần túy sang phát triển nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, để người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ mua sắm trực tuyến đến trực tiếp, coi đây là mục tiêu phát triển mảng bán lẻ của tập đoàn trong năm 2021. “Masan đặt mục tiêu năm 2021, doanh thu thuần dự kiến tăng 15 - 20% từ việc tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng hiện hữu, mở rộng hệ thống cửa hàng VinMart+và tái định vị mô hình siêu thị VinMart” - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang thông tin.

Về phía cơ quan quản lý, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ các DN kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh các hình thức kinh doanh như kinh tế ban đêm, các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ..., đồng thời triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mặt khác, Bộ đẩy mạnh việc phát triển thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới phù hợp với trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các giải pháp như phát triển thương mại nội địa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tập trung hỗ trợ hình thành các tập đoàn, DN lớn trong lĩnh vực phân phối; thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải