Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp biết nhưng chưa tận dụng tốt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) chính là chìa khóa để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu (XK) cho các DN Việt Nam.

Nhưng làm sao để tối ưu hóa kênh mua bán này thì không phải DN nào cũng nắm rõ.

Kinh nghiệm từ một doanh nghiệp

Theo kinh nghiệm của bà Dương Tú Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Hoa Lư, nhờ tìm đến các trang TMĐT từ sớm (alibaba.com, ebay.com...) mà Công ty đã có được một lượng khách hàng rất ổn định, đặc biệt là khách hàng từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU... Nếu như năm 2014, Công ty XK được 50 container hàng đi các nước thì dự kiến hết năm 2015 có thể XK hơn 100 container. Tuy nhiên, để có được thành công này và duy trì được uy tín trên các trang TMĐT, DN phải chuẩn bị rất kỹ hồ sơ năng lực (profile) giới thiệu về DN của mình để “mời gọi” đối tác quan tâm.
Giao diện trang Web thương mại điện tử quốc tế Alibaba.com.
Giao diện trang Web thương mại điện tử quốc tế Alibaba.com.
Bắt đầu tham gia TMĐT từ năm 2002, thông qua kênh này, Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Hoa Lư nhận được khá nhiều yêu cầu báo giá từ các đối tác nước ngoài. “Ban đầu có rất nhiều điện thoại, email gọi giục chúng tôi gửi báo giá nhưng sau đó các yêu cầu thưa dần, khách hàng nhận xong báo giá cũng không thấy hồi âm” - bà Anh chia sẻ. Nghĩ rằng do báo giá quá cao nên Ban lãnh đạo Công ty đã quyết định hạ giá sản phẩm, tuy nhiên tình hình vẫn không biến chuyển. Một thời gian sau, Công ty đã nhận ra nguyên nhân mấu chốt không phải ở giá thành mà chính là ở profile Công ty chưa tốt. Ngoài ra, để tăng uy tín của DN trên các trang TMĐT, DN cần trở thành thành viên chính thức thay vì chỉ là thành viên tự do của trang.

Cơ hội chia đều

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN XK Việt Nam qua TMĐT nhằm đón bắt cơ hội từ FTA Việt Nam – EU 2015” tổ chức ngày 11/11, ông Trần Đình Toản - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và công nghệ OSB cho biết, người mua tìm kiếm sản phẩm online trước hết là tìm kiếm thành viên của trang TMĐT, bởi thành viên là đối tác tin cậy đã qua kiểm duyệt, đã có uy tín đối với cộng đồng mạng. Thực tế, nhiều DN có quy mô rất lớn nhưng trên sàn TMĐT lại là DN nhỏ vì họ đã không đầu tư tốt cho gian hàng và profile của mình ở trên sàn TMĐT. Do đó, để hấp dẫn người mua thì DN cần tối ưu hóa khả năng quảng bá bằng các kệ trưng bày sản phẩm online, các video clip giới thiệu... Sau khi đã có giao dịch thì khâu hậu mãi rất quan trọng, DN sẽ đánh mất uy tín nếu không có dịch vụ chăm sóc khách hàng thật tốt.

Chia sẻ với các DN đang muốn tăng cường XK thông qua TMĐT, ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc Alibaba tại Việt Nam khẳng định, năm 2020 sẽ có hơn 4.000 tỷ USD doanh thu từ   internet, có 4 tỷ người chiếm 50% dân số thế giới sử dụng internet để kết nối với nhau. Thống kê từ các sàn TMĐT cũng cho thấy, 70% DN có xu hướng kinh doanh quốc tế. Các nhà nhập khẩu Mỹ và EU có nhu cầu nhập thực phẩm đồ uống, nông sản, đồ nội thất... - những mặt hàng XK thế mạnh của Việt Nam.

Các DN Việt Nam cần nắm bắt tốt cơ hội từ internet, đặc biệt khi chúng ta đã ký rất nhiều FTA và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho DN khi tham gia sân chơi toàn cầu.